(LSVN) - Sáng ngày 16/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tới 63 điểm cầu trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các bộ, ban, ngành Trung ương.
Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Bổ sung, sửa đổi nhiều điểm mới
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên của Bộ Tư pháp phổ biến, truyền đạt những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung 54 Điều về nội dung và 14 Điều về kỹ thuật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, với những nội dung cơ bản sau:
- Tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL;
- Bổ sung và làm rõ quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL: Hiện nay, việc phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL của Mặt trận được thực hiện theo Luật MTTQ Việt Nam và Nghị quyết liên tịch số 403/2017. Tuy nhiên, việc phản biện của cơ quan này đối với dự thảo VBQPPL chưa được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL.
- Bổ sung một số hình thức VBQPPL: Cụ thể, Luật sửa đổi đã bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Lý do là Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 chưa quy định hình thức này nhưng trên thực tế đã phát sinh việc ban hành nghị quyết liên tịch.
Theo Bộ Tư pháp, Luật còn bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Sửa đổi thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã;
- Quy định hợp lý hơn các loại VBQPPL phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách và quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng, soạn thảo VBQPPL;
- Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL;
- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhằm đảm bảo tính thống nhất và nâng cao chất lượng của dự thảo VBQPPL;
- Quy định hợp lý, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương;
- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác của Luật;
- Quy định về việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn:
Luật Ban hành VBQPPL 2015 đã quy định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Thời gian qua đã phát sinh một số trường hợp cần phải ban hành ngay văn bản để xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đó là trường hợp ban hành văn bản để bãi bỏ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp; kéo dài thời gian thực hiện văn bản. Ngoài ra, cần ban hành thông tư để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn như điều chỉnh giá xăng dầu, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy…
Để khắc phục, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Điều 146, theo đó bổ sung ba trường hợp được xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thứ nhất là bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai là kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Thứ ba là ban hành ngay VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo Bộ Tư pháp, một vấn đề rất mới trong thủ tục rút gọn là ở trung ương hiện nay, đối với thông tư cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, thông tư của bộ trưởng cho phép thủ tục rút gọn nhưng có sự kiểm soát.
Đối với thông tư mà quy định về những văn bản quy định vấn đề giải quyết phát sinh từ thực tiễn ở khoản 1 Điều 46 thì phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Trước khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ thì phải có ý kiến Bộ Tư pháp, đây là điểm mới.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tổ chức quán triệt, nghiên cứu, tập huấn các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đội ngũ trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật; nhất là những quy định liên quan trực tiếp tới công tác xây dựng pháp luật, nghị định pháp luật của địa phương; quan tâm chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác xây dựng pháp luật ở địa phương.
Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy chế nội bộ về công tác xây dựng các VBQPPL của địa phương nhằm phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, các đơn vị, đồng thời thiết lập, vận hành các cơ chế phù hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng pháp luật; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các biện pháp nâng cao chất lượng VBQPPL ở địa phương, chú trọng lấy ý kiến Nhân dân trong xây dựng văn bản pháp luật.
MINH HIỀN (t/h)