/ Pháp luật - Đầu tư
/ Triển vọng thị trường chứng khoán 2022

Triển vọng thị trường chứng khoán 2022

15/03/2022 08:50 |

(LSVN) - Năm 2021, mặc dù bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nhưng thị trường chứng khoán liên tiếp ghi nhận nhiều thời khắc lịch sử. Bước sang năm 2022, thị trường có khả năng phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn còn dư địa tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Chứng khoán, UBCKNN. Ảnh: nhadautu. 

Sáng 15/3 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức toạ đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" nhằm mang tới không gian thảo luận, trao đổi và làm rõ hơn các cơ hội đầu tư, cũng như chỉ ra những rủi ro và đề xuất giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững. Trong khuôn khổ toạ đàm, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã trình bày bài tham luận với chủ đề: "Triển vọng thị trường chứng khoán 2022 qua góc nhìn của UBCKNN". 

Trong thời gian qua, với việc hoàn thiện xây dựng Luật chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn với nhiều điểm mới mang tính đột phá, giúp khắc phục những hạn chế trong quá trình quản lý, giám sát và điều hành thị trường chứng khoán (TTCK), TTCK Việt Nam đang ngày càng phát triển, trở thành kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, tăng cường vốn đầu tư xã hội.

TTCK Việt Nam thêm nhiều kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Năm 2020, TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những TTCK có sức chống chịu với đại dịch Covid-19 và phục hồi tốt nhất thế giới, với mức tăng trưởng 14,9% so với cuối năm 2019. Bước sang năm 2021, mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nhưng TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tạo ấn tượng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và các doanh nghiệp. Cụ thể như:

Năm 2020, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 TTCK có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới. Tiếp tục đà tăng trưởng trên, trong năm 2021, chỉ số VN-Index bứt phá mạnh mẽ và liên tục lập đỉnh mới, kéo dài xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, mặc dù có những nhịp điều chỉnh do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kết thúc năm 2021, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.498,28 điểm vào ngày 31/12/2021, tăng 35,7% so với cuối năm 2020 và được đánh giá là một trong những chỉ số chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới. Chỉ số VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm trong một vài phiên đầu năm 2022, qua đó thiết lập đỉnh lịch sử mới ở mức 1.528,48 điểm vào ngày 07/01/2022. Tuy nhiên, xu hướng chốt lời, giảm dần giao dịch vào thời điểm cận Tết nguyên đán, cùng với tác động của một số thông tin bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán và tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới khiến TTCK Việt Nam trải qua một vài phiên điều chỉnh; tính đến ngày 28/02/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.490,13 điểm, giảm 0,5% so với cuối năm 2021.  

Tính đến ngày 28/12/2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.729 nghìn tỉ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021. Vốn hoá thị trường tiếp tục tăng nhẹ trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 7.780 nghìn tỉ đồng tại ngày 28/2/2022, tăng 0,2% so với cuối năm 2021, tương đương 92,6% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) của thị trường đạt 1.727 nghìn tỉ đồng vào cuối năm 2021, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 890 cổ phiếu ĐKGD trên thị trường UPCoM. Con số này đạt 1.777 nghìn tỉ đồng vào cuối tháng 2/2022, tăng 2,2% so với cuối 2021.

Thanh khoản cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, cán mốc trên 1 tỉ USD mỗi phiên. Từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức 19.000 tỉ đồng/phiên trong tháng 1, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40.000 tỉ đồng/phiên, trong đó, ngày 19/11/2021, thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 56.105 tỉ đồng. Tính chung cả năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỉ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020. Giá trị giao dịch tiếp tục gia tăng trong 02 tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.385 tỉ đồng/phiên, tăng 14,2% so với bình quân năm trước. Về quy mô giao dịch TTCK Việt Nam hiện đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, các thị trường khác cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng trong năm 2021. Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) duy trì ổn định, với quy mô niêm yết đạt hơn 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm trước đó. Giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2021 đạt 11,25 nghìn tỉ đồng, tăng 9,7% so với bình quân năm 2020. Thị trường TPCP tiếp tục duy trì ổn định trong 02 tháng đầu năm 2022, với giá trị niêm yết đạt hơn 1,6 triệu tỉ đồng (tương đương 19,1% GDP năm 2021) và giá trị giao dịch bình quân đạt 13,7 nghìn tỉ đồng/phiên, tăng 20,2% so với bình quân 2021.

TTCK phái sinh tiếp tục diễn ra sôi động, trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tính chung năm 2021, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 189.731 hợp đồng/phiên, tăng 21% so với năm trước. Khối lượng mở tại ngày 28/12/2021 đạt 28.357 hợp đồng, giảm 30% so với cuối năm 2020. Mặc dù vậy, trong năm 2021, thị trường đã có thời điểm ghi nhận mức khối lượng mở kỷ lục với 61.090 hợp đồng vào ngày 14/01/2021. Đây cũng là mức khối lượng mở cao nhất kể từ ngày khai trương TTCK phái sinh. Trong những tháng đầu năm 2022, trước bối cảnh căng thẳng chính trị trên thế giới, nhà đầu tư thận trọng hơn khi tham gia thị trường phái sinh; khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 giảm 26% sao với bình quân năm trước, đạt 139.611 hợp đồng/phiên.

Ngày 28/6/2021, sản phẩm hợp đồng tương lai trên TPCP kỳ hạn 10 năm đã chính thức được đưa vào giao dịch và được kỳ vọng đáp ứng tốt nhu cầu phòng vệ rủi ro của các nhà đầu tư, cũng như sự phát triển của thị trường TPCP, với tổng khối lượng giao dịch tính đến cuối tháng 2/2022 là 1.172 hợp đồng.

Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh.

Trong 11 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 444.941 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá cổ phần hóa ước đạt 143.924 tỉ đồng, tăng gấp 2,2 lần; Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt 301.017 tỉ đồng.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng kỷ lục

Tính chung trong năm 2021, thị trường có hơn 1,5 triệu tài khoản nhà đầu tư mở mới toàn thị trường (lớn hơn số tài khoản mở mới của 5 năm trước đó cộng lại), đưa tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán cuối năm 2021 đạt hơn 4,31 triệu. Con số này tiếp tục gia tăng trong 02 tháng đầu năm 2022, với 405.980 tài khoản nhà đầu tư mở mới toàn thị trường (bằng 1/4 số lượng tài khoản mở mới của năm 2021). Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đã đạt hơn 4,71 triệu tài khoản, tăng 9,4% so với cuối năm 2020 và gần đạt mục tiêu 5% dân số vào năm 2025 được đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Như vậy, trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, TTCK Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định trong thời gian qua. Kết quả này có được là do nhiều yếu tố hỗ trợ. Trong nước, trong nửa đầu năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhờ đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế vẫn hoàn thành theo đúng kế hoạch. Bước sang Quý III, dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành khiến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn đến TTCK có những phiên giảm điểm. Tuy nhiên, việc từng bước kiểm soát dịch bệnh và nới lỏng giãn cách xã hội trong cuối quý III đã thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam, tạo đà cho TTCK hồi phục và tăng trưởng trở lại trong thời gian vừa qua. Mặt bằng lãi suất thấp cũng khiến TTCK tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn so với tiền gửi tiết kiệm.

Trên thế giới, nhiều nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc khi chuyển sang áp dụng chiến lược “sống chung với Covid-19”, từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và mở cửa trở lại nền kinh tế, qua đó tạo đà cho TTCK tăng trưởng. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, hầu hết TTCK đã tăng điểm và hồi phục tích cực như TTCK Mỹ tăng 26,9%, Pháp 28,9%, Đức 15,8%, Thái Lan 14,4%, Anh 14,3% so với cuối năm 2020. Chỉ số Dow Jones, S&P 500 của TTCK Mỹ liên tục lập đỉnh lịch sử. Như vậy, TTCK Việt Nam trong năm 2021 có diễn biến tăng điểm phù hợp với diễn biến chung của TTCK thế giới.

Triển vọng TTCK Việt Nam trong năm 2022

Năm 2022 được đánh giá tiếp tục là một năm khó khăn, phức tạp của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, do vậy, TTCK trong nước có khả năng đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, tăng giảm mạnh đan xen, xuất phát từ nhiều yếu tố, cả từ trong và ngoài nước.

Trong nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn là yếu tố bất định, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quá trình hồi phục của nền kinh tế và tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường. Việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, sản lượng sản xuất không đáp ứng kịp nhu cầu gia tăng khi các nền kinh tế hồi phục cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Mức dư nợ giao dịch ký quỹ toàn thị trường tăng nhanh trong thời gian qua, cùng với việc nhà đầu tư cá nhân tăng tỉ trọng trên TTCK Việt Nam cũng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường khi tính ổn định của dòng vốn chưa cao. Việc phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư cá nhân, dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông khiến thị trường dễ có những biến động mạnh khi xuất hiện những thông tin bất lợi. Bên cạnh đó, các hiện tượng dùng mạng xã hội để làm giá cổ phiếu, kích động, xuyên tạc thông tin trên thị trường cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động giao dịch trên TTCK, đòi hỏi phải tăng cường công tác giám sát đối với các hoạt động trên TTCK.

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế bắt đầu phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển nhiều hơn vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, dòng tiền vào TTCK do vậy có thể bị ảnh hưởng. TTCK khi đó khó có thể đạt mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2021 nhưng sẽ bước vào giai đoạn ổn định và bền vững hơn.

Bên cạnh các yếu tố rủi ro trong nước, TTCK Việt Nam trong năm 2022 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài khi tình hình kinh tế - chính trị thế giới trong năm 2022 được dự báo tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước khả năng dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài và khả năng Chính phủ các nước cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế trước áp lực lạm phát, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2022 ở mức 4,4% so với 5,9% của năm 2022. Tăng trưởng thương mại thế giới do vậy cũng được dự báo giảm so với năm 2021 (6% so với 9,3%). Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đặc biệt là tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Giá cả lương thực, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tăng cao trước bối cảnh nguồn cung bị ảnh hưởng do xung đột chính trị đang làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế. Lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục 5,8% trong tháng 2/2022, trong khi đó lạm phát tại Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Trước tình hình đó, nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới như FED, Ngân hàng Trung ương Anh đã bắt đầu tiến hành các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá thông qua việc giảm dần các gói kích thích kinh tế và nâng lãi suất. Đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch FED cho biết sẽ đề xuất điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản 0,25% vào cuối tháng này và để ngỏ khả năng có những bước điều chỉnh mạnh hơn để kiểm soát lạm phát. Động thái này có thể sẽ tạo ra làn sóng thắt chặt chính sách trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi cùng với áp lực lạm phát tăng cao. Mặt bằng lãi suất tăng có thể sẽ là lực cản chính đối với TTCK đang được đánh giá hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh có thể sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển từ các thị trường mới nổi trở lại các thị trường phát triển. Ngoài ra, bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường, có thể dẫn đến các phiên điều chỉnh trên TTCK.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Mặt bằng lãi suất có khả năng tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp và do vậy, dòng tiền nhiều khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của doanh nghiệp và nền kinh tế. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua và hiện mới chiếm khoảng 4,7% dân số cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.

Triển khai đồng bộ các giải pháp trung và dài hạn

Nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển công bằng, minh bạch và ổn định, UBCKNN sẽ tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải trung và dài hạn sau:

Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, đặc biệt là thị trường TPDN riêng lẻ, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường;xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp cố tình, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững; tăng cường vai trò giám sát tuyến 1 của SGDCK trong việc phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán; yêu cầu CTCK tăng cường quản lý các hội nhóm do môi giới lập; xử lý nghiêm công ty chứng khoán hỗ trợ các hoạt động thao túng chứng khoán;

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường TPDN phát hành riêng lẻ nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường;

Thứ tư, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam.

Theo Nhà đầu tư

Cơ chế đặc thù nên nhân rộng cho các địa phương trong cả nước

Nguyễn Mỹ Linh