Thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động, app, nhóm người Trung Quốc đã cho 60.000 người ở nhiều tỉnh, thành phố vay khoảng 100 tỉ đồng với lãi suất lên đến 1.095%/năm.
Phòng Cảnh sát hình sự (PC02, Công an TPHCM) vừa triệt phá 1 đường dây cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng cho vay tiền nhanh do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Đáng chú ý là lãi suất mà đường đây này đưa ra ở mức “cắt cổ”: 3%/ngày, 21%/tuần, 90%/tháng, 1.095%/năm; với 60.000 người vay, số tiền lên tới 100 tỉ đồng.
Hiện công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam với 5 đối tượng trong đường dây này, gồm: Tu Long (sinh năm 1992), Yuan Deng Hui (sinh năm 1991, quốc tịch Trung Quốc), Chề Ngọc Trinh (sinh năm 1995, ngụ tỉnh Đồng Nai), Lâm Cẩm Quyền (sinh năm 1990, ngụ Quận 5, TPHCM) và Lài Thế Hùng (sinh năm 1994, ngụ quận Bình Tân, TPHCM).
Theo điều tra, tháng 4/2019, 2 đối tượng người Trung Quốc tên là Niu LiLi (chưa rõ lai lịch) và Jiang Miao (39 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) là chủ của các công ty gồm Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Vinfin, Công ty TNHH CNTT Beta Manning Vietnam và Công ty TNHH Tư vấn tài chính Đại Phát thuê Tu Long và Yuan Deng Hui làm quản lý các công ty này với thù lao là 35 triệu đồng/tháng với nhiệm vụ quản lý nhân viên, thẩm định hồ sơ, nhắc và đòi nợ.
Niu Li Li và Jiang Miao thuê Trinh làm phiên dịch viên kiêm kế toán với thù lao là 15 triệu đồng/tháng. Hùng và Quyền được thuê làm phiên dịch cho Tu Long và Yuan Deng Hui với thù lao là 10 triệu đồng/tháng. Quyền còn được giao thẩm duyệt hồ sơ cho vay và Hùng đảm nhận nhiệm vụ quản lý danh sách người vay đến hạn thanh toán để giao cho bộ phận nhắc, đòi nợ.
Sau đó, nhóm thuê 2 căn nhà ở đường số 28 và đường số 30 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM) để hoạt động với khoảng 40 nhân viên. Các nhân viên này một nhóm đảm nhiệm xét duyệt hồ sơ vay tiền của khách hàng, nhóm còn lại thu hồi nợ. Hầu hết các nhân viên được trả lương là 6 triệu đồng/tháng.
Các đối tượng tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động hay app để cho vay tiền. Các ứng dụng này được quảng cáo trên Facebook… Khách có nhu cầu vào tìm hiểu và được nhân viên tư vấn để được vay tiền. Hệ thống sẽ yêu cầu tạo một tài khoản, cung cấp các thông tin cá nhân như CMND, công việc, số tài khoản ngân hàng và phải đồng ý bảy điều khoản khác nhau. Một trong các điều khoản này là người vay phải cho truy cập danh bạ có hiển thị số điện thoại người thân, gia đình, cơ quan…
Nếu khách hàng vay tiền qua ứng dụng “Vaytocdo” thì lần đầu sẽ được duyệt là 1,7 triệu đồng và tối đa là 2,75 triệu đồng. Với mức vay 1,7 triệu đồng thì người vay chỉ nhận được 1,42 triệu đồng, 280.000 đồng là tiền phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, khách phải trả cả nợ lẫn gốc là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.
Nếu khách vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” chỉ vay tối đa được 1,5 triệu đồng thì nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trả trước 7 ngày. Sau 7 ngày người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2-5%.
Tính ra, mức cho vay qua app là 3%/ngày, 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm. Nếu khách hàng vay đúng hạn thì các nhân viên sẽ nâng cấp từ 1 đến 7 và cho vay được nhiều hơn tới mức tối đa là 2,75 triệu đồng.
Nếu như khách hàng vay không trả nợ đúng hạn thì nhóm cho nhân viên gọi điện, nhắn tin đe doạ phải trả nợ. Thậm chí, nhóm còn gọi nhắn tin cho bạn bè, người thân của con nợ yêu cầu trả nợ.
Sau quá trình điều tra củng cố hồ sơ, lực lượng công an đã ập vào 2 căn nhà trên bắt giữ các đối tượng, thu giữ nhiều máy tính, sổ sách có liên quan tới hành vi cho vay.
Bước đầu, lực lượng chức năng xác định có đến 60.000 người vay qua 3 ứng dụng này với số tiền lên tới 100 tỷ đồng. Khách hàng vay sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
VGP