(LSO) - Tại phiên họp Quốc hội chiều nay 26/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau, chủ yếu xoay quanh hai ý kiến chính là việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ là ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hay giữ nguyên như luật hiện hành, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Cụ thể, phương án 1, giữ quy định như dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
"Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.
Phương án 2 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.
Lý do là bởi, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Thảo luận về việc Dự án Luật 2 phương án trên, luồng ý kiến ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ do loại hình này đã biến tướng, đã gây bức xúc, nhức nhối cho xã hội, để lại hệ luỵ lớn. Với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ.
Ngược lại là luồng ý kiến không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng cả ý kiến đồng tình cấm và không đồng tình đều có những lý lẽ rất thuyết phục, trong khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án, nhưng không bày tỏ quan điểm chọn phương án nào. Theo đại biểu, thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ.
Theo đại biểu, bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật còn quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác như trọng tài, xét xử, hoà giải …tại Toà án,… nhưng thực tế thủ tục qua trọng tài toà án mất rất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tiục hành chính mà hiệu quả không cao. Chỉ thu được 36% các vụ xử, nếu tính trên tổng số vụ việc thì rất thấp, kể cả khi có bản án hiệu lực thì việc đôn đốc thi hành án cũng rất khó khăn…
Chính vì vậy, người dân tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả"- đại biểu nhấn mạnh.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp trên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: "Chiều nay chúng ta có rất nhiều ý kiến mà đa phần ủng hộ phương án 1 là cấm loại hình kinh doanh này".
"Trong quá trình thảo luận về vấn đề này Chính phủ cũng đã làm việc hết sức công phu, nghiên cứu, thảo luận, mời các chuyên gia, tổ chức các hội thảo, hội nghị rất nhiều lần và đã xem xét hết sức thận trọng. Cuối cùng đi đến quyết định chọn phương án cấm loại kinh doanh dịch vụ này, không đơn giản mà Chính phủ đưa ra như vậy. Tất nhiên kể cả ý kiến đồng ý hay không đồng ý đều có lý luận riêng, nhưng chúng tôi cho rằng phương án mà Chính phủ đề ra là đã có đầy đủ các cơ sở cũng như nhiều ý kiến đại biểu hôm nay rất sâu sắc và rất đúng. Tôi tha thiết xin đề nghị với các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án 1".
Liên quan đến con đường khởi kiện ra tòa, một vị luật sư từng tính toán rằng, quá trình từ khi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho đến khi thi hành án thường mất vài năm, khả năng thu hồi được nợ thấp hơn 30%. Tính toán này dựa trên số liệu năm 2018, thi hành án dân sự cả nước thu hồi được trung bình 32% giá trị tài sản có khả năng thi hành. Tức là, chỉ tính những trường hợp “con nợ” còn tài sản, không tính những “con nợ” đã tay trắng (nếu tính cả những trường hợp này, thì chắc chắn, con số thấp hơn 32% rất nhiều). Bởi thế, nhiều chủ nợ đã không chọn con đường giải quyết thông qua tòa án. |
THANH PHONG (t/h)