/ Kinh tế - Pháp luật
/ Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí đường cao tốc Nhà nước đầu tư

Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí đường cao tốc Nhà nước đầu tư

09/08/2023 11:30 |

(LSVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Ảnh minh hoạ. 

Theo Bộ GTVT, khi thông qua chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc theo phương thức đầu tư công, Quốc hội định hướng rất rõ cần xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư, hoàn thiện pháp luật về thu phí. Tuy nhiên, hiện nay Luật Phí và lệ phí chưa có quy định về phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Việc thu tiền sử dụng đường bộ theo cơ chế giá thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc chỉ được thực hiện đối với các dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (dự án BOT).

Theo tính toán của Bộ GTVT, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện trên ba tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây so với quốc lộ song hành, xe đi cao tốc sẽ được lợi bình quân khoảng 5.265 đồng/km. Trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường. Loại xe thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân khoảng 12.348 đồng/km, xe thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân khoảng 1.974 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo PCU (đơn vị xe con quy đổi) khoảng 2.868 đồng/PCU/km.

Bộ GTVT cho biết để thực hiện mục tiêu 5.000km đường cao tốc, ước tính nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỉ đồng. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỉ đồng để hoàn thành 2.043km và khởi công 925km sẽ cần tới 239.500 tỉ đồng ngân sách nhà nước.

Với yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc rất lớn nên xây dựng chính sách để ngân sách nhà nước có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết. Bên cạnh đó, khi các đường cao tốc hoàn thành cần nguồn tiền bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật. Những năm qua các tuyến đường do Nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm mới cơ bản đáp ứng được chi phí quản lý, khai thác và một phần chi phí bảo trì.

Dự kiến đến 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách đi vào hoạt động, ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.067 tỉ đồng (bình quân 1.813 tỉ đồng/năm). Qua tính toán, Bộ GTVT cho rằng phương án thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư qua trạm thu phí theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí. Mức thu phí được xác định trên các nguyên tắc cơ bản sau:

- Phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước; được tính toán theo từng đoạn/tuyến cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội từng khu vực.

- Số tiền phí thu được được nộp ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách. Trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì đường bộ, thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với các dự án đường bộ theo hợp đồng BOT trong trường hợp bị giảm lưu lượng khi các tuyến cao tốc đưa vào khai thác.

Sau khi được Quốc hội ban hành nghị quyết, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và UBND các tỉnh xác định cụ thể các đoạn tuyến đường cao tốc thực hiện thu phí; xây dựng đề án khai thác làm cơ sở tổ chức thực hiện.

NGỌC ANH

Nguyễn Mỹ Linh