/ Pháp luật - Đời sống
/ Trình Quốc hội cho ý kiến đối với Luật Dẫn độ tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10

Trình Quốc hội cho ý kiến đối với Luật Dẫn độ tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10

08/01/2024 18:29 |

(LSVN) – Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023.

Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với 07 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và 02 dự thảo luật. Trong đó có đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ.

Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về dẫn độ; bảo đảm đồng bộ, hiện đại, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ.

Cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu sau:

- Rà soát, chỉnh lý tên gọi của các chính sách để thể hiện rõ nội hàm, mục tiêu, nội dung của Chính sách. Tiếp tục đánh giá, làm rõ nội dung “Cam kết không thi hành hình phạt tử hình nếu người bị yêu cầu dẫn độ bị kết án tử hình và có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước” bảo đảm vừa thể hiện pháp luật Việt Nam có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trong hợp tác quốc tế về dẫn độ, vừa bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục, điều kiện của pháp luật các bên theo nguyên tắc có đi, có lại; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.

- Tiếp tục rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, các quy định pháp luật khác liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong hoạt động dẫn độ.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

DUY ANH

Bùi Thị Thanh Loan