(LSVN) - Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về trình tự, thủ tục để chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là người từ những nước vùng dịch. Bạn đọc K.Đ. hỏi.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì một trong những cơ quan, tổ chức được mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Theo Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi năm 2019 thì người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật này. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng; Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này. Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện nêu trên và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.
Khoản 3 Điều 21 Luật này cũng quy định các trường hợp chưa cho nhập cảnh như người mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồngv vì lý do phòng, chống dịch bệnh. Người đứng đầu đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh quyết định và Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho nhập cảnh đối với 02 trường hợp này.
Trong thời điểm tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã có những hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ chuyên gia, nhà đầu tư người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 15/5/2020, để tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp (sau đây gọi là chuyên gia) được nhập cảnh nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện nghiêm an toàn phòng, chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã ban hành Công văn số 2847/CV-BCĐ ngày 23/5/2020 về việc hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam để làm việc. Theo đó việc hỗ trợ chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được thực hiện như sau:
Thứ nhất, căn cứ theo nhu cầu của các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách chuyên gia sẽ được vào làm việc, gửi danh sách cho Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để xem xét giải quyết.
Thứ hai, chỉ định, lựa chọn các cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho các chuyên gia trên địa bàn (sau đây gọi là cơ sở cách ly) theo hướng dẫn tại Quyết định số 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 12/3/2020 ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19” hoặc Quyết định số 1246/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 20/3/2020 ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch Covid-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả”. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly và lây nhiễm ra cộng đồng.
Thứ ba, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 02 lần kể từ khi nhập cảnh theo Công văn số 1905/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo quốc gia ngày 16/4/2020 về việc thực hiện xét nghiệm Covid-19. Sau thời gian cách ly tập trung 14 ngày, tiếp tục giám sát y tế thêm 14 ngày để đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng.
Thư tư, giao cho Công an tỉnh, thành phố làm đầu mối phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ việc đưa đón chuyên gia bằng xe riêng từ sân bay hoặc cửa khẩu, cảng biển về cơ sở cách ly; tổ chức, quản lý các cơ sở cách ly; triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, theo dõi y tế và các nội dung liên quan nhằm đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh.
Thứ năm, thông báo cho các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn có nhu cầu mời các chuyên gia đến Việt Nam làm việc các nội dung sau:
- Thông tin về cơ sở cách ly đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định, lựa chọn;
- Đăng ký danh sách và đề xuất phương án, phương tiện đưa đón, cách ly cụ thể cho các chuyên gia để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
- Nộp hồ sơ đề nghị giải quyết cho chuyên gia nhập cảnh (lập danh sách riêng đối với số chuyên gia đã có thị thực còn hạn; số chuyên gia cần cấp thị thực) kèm theo văn bản phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để xem xét giải quyết.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày), Bộ y tế cũng đã ban hành hướng dẫn số Số 4674/BYT-MT ngày 31 tháng 8 năm 2020 về việc hướng dẫn y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).
Theo đó, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày bao gồm: Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước (sau đây gọi tắt là chuyên gia); Khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Về nguyên tắc, chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày không phải cách ly y tế tập trung 14 ngày song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho chuyên gia, khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng; Nơi lưu trú cho chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải đảm bảo theo các quy định tại Quyết định số 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế…
Những người nhập cảnh là chuyên gia cần thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 như: Trước khi nhập cảnh phải xây dựng phương án làm việc, địa điểm lưu trú, phương tiện đưa đón, cách ly cụ thể cho các chuyên gia, phương án đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 trong quá trình làm việc của chuyên gia và những người tiếp xúc; Chuyên gia phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time- PCR từ 3-5 ngày trước ngày nhập cảnh vào Việt Nam và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 phải được thực hiện tại phòng xét nghiệm của cơ quan y tế có thẩm quyền; Tại nơi xuất, nhập cảnh phải tổ chức phân luồng tiếp đón các chuyên gia xuất, nhập cảnh: phân luồng riêng, không tiếp xúc với các đối tượng khác; Chuyên gia phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh; Yêu cầu chuyên gia sử dụng ứng dụng Bluezone khi ở Việt Nam; Tổ chức đưa đón chuyên gia về nơi lưu trú theo quy định;
Tại nơi lưu trú: Bố trí chỗ ở riêng biệt cho chuyên gia tại nơi lưu trú (khách sạn, nơi lưu trú do doanh nghiệp thu xếp, cơ sở lưu trú khác) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí; Bố trí riêng phòng/khu vực lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 tại nơi lưu trú để tiến hành lấy mẫu cho tất cảcác chuyên gia; Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-COV-2 đối với tất cả các chuyên gia khi về đến nơi lưu trú bằng kỹ thuật RT-PCR.
Khi có kết quả xét nghiệm âm tính, xem xét quyết định cho chuyên gia được phép làm việc tại địa phương. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 2 ngày/lần trong thời gian chuyên gia lưu trú tại Việt Nam.
Trường hợp chuyên gia có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục đính kèm; Lấy mẫu xét nghiệm trước khi chuyên gia rời khỏi Việt Nam 01 ngày để có phương án cách ly, dự phòng cho các đối tượng tiếp xúc trong quá trình làm việc với chuyên gia khi cần thiết. Tại nơi làm việc, đi thực địa: Đưa đón các chuyên gia đi thực địa, tới nơi làm việc theo quy định; Bố trí cán bộ y tế hỗ trợ, theo dõi, giám sát y tế trong quá trình chuyên gia làm việc và đi thực địa; Bố trí khu vệ sinh dành riêng cho chuyên gia làm việc, đi thực địa,…
Như vậy, hiện nay, để đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì Việt Nam chỉ giải quyết cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp vào Việt Nam làm việc và phải đảm bảo phương án cách ly. Người nước ngoài thuộc các diện đối tượng này, nếu có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam trong thời điểm hiện nay, cần liên hệ với cơ quan, tổ chức tại Việt Nam nơi dự kiến làm việc để làm thủ tục cấp thị thực nhập cảnh theo quy định. Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ xem xét, giải quyết sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý về việc nhập cảnh của người nước ngoài thuộc các diện đối tượng trên theo đề nghị của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.
THANH THANH
Một số vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động của các sàn ngoại hối trái phép