Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, do Công ty bạn bảo lãnh cho người nước ngoài, theo đó, nếu ở những nơi khu vực có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vào Việt Nam làm việc với thời hạn 02 năm thì ngoài các công văn, tài liệu bảo lãnh bạn cũng cần thực hiện những nội dung sau:
Cụ thể, Công văn 4995/BYT-DP ngày 20/09/2021 của Bộ Y Tế về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam, gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Kèm theo Công văn là Hướng dẫn tạm thời Giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam.
Hướng dẫn này được áp dụng cho người nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam trên 14 ngày, bao gồm người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, các đối tượng theo thỏa thuận hợp tác cùng thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam (sau đây gọi là người nhập cảnh) từ các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trước khi nhập cảnh, Bộ Y tế yêu cầu người nhập cảnh cần đăng ký cơ sở cách ly tập trung để thực hiện cách ly khi nhập cảnh kèm theo lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam. Theo đó, cơ sở cách ly tập trung được lưu ý là các khách sạn, địa điểm được UBND tỉnh, thành phố cho phép thực hiện cách ly tập trung.
Người nhập cảnh cần chuẩn bị giấy xác nhận (có ngôn ngữ tiếng Anh) âm tính với SARS- CoV-2 sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus (RT-PCR/RT-LAMP...) của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi nhập cảnh 03 - 05 ngày.
Khi nhập cảnh, người nhập cảnh cần được kiểm tra giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2; Thực hiện việc đo thân nhiệt, kiểm tra y tế để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, áp dụng các biện pháp xử trí theo quy định.
Thu thập thông tin cơ sở cách ly tập trung, thông báo cho các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát. Hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng các ứng dụng truy vết.
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu (nếu có); Trường hợp không thực hiện xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu, tổ chức di chuyển về cơ sở cách ly tập trung đã đăng ký đảm bảo các quy định an toàn khi vận chuyển theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020.
Trong việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm (dịch đường hô hấp trên); Thực hiện xét nghiệm nhanh sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus hoặc phát hiện kháng nguyên (bằng sinh phẩm được Bộ Y tế cấp phép/được Tổ chức Y tế thế giới/CDC Hoa Kỳ khuyến cáo, ưu tiên sử dụng các sinh phẩm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên có độ nhạy cao, sử dụng mẫu nước bọt).
Tại cơ sở cách ly tập trung, người nhập cảnh được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus (RT-PCR/RT-LAMP...). Trong đó, với trường hợp không được xét nghiệm tại cửa khẩu hoặc kết quả xét nghiệm không rõ thì lấy mẫu xét nghiệm ngay khi đến cơ sở cách ly tập trung. Nếu dương tính thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc Covid-19. Nếu âm tính thì tiếp tục cách ly, theo dõi, giám sát y tế cho đến khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2.
Tất cả các trường hợp đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc Covid-19. Các đối tượng tiếp xúc gần tiếp tục được cách ly 14 ngày.
Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì được phép di chuyển về nơi lưu trú để tiếp tục tự cách ly đến khi đủ 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Việc đi lại từ cơ sở cách ly về nơi lưu trú phải bằng phương tiện riêng theo quy định của Bộ Y tế.
Tại nơi lưu trú, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát y tế, cách ly, phòng chống dịch, tránh tiếp xúc với cộng đồng và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh theo. Hàng ngày, nếu có người tiếp xúc với người nhập cảnh thì lập danh sách lưu lại họ tên, số điện thoại của người tiếp xúc đến thời điểm hết ngày thứ 14.
Cơ quan y tế địa phương thực hiện giám sát y tế theo quy định và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus (RT-PCR/RT-LAMP...) vào ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc nghi ngờ thì thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc Covid-19.
Theo đó, bạn có thể đối chiếu các quy định trên và trình tự, thủ tục cách ly trong thời gian trước, trong và sau khi nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện cho đúng quy định.
TRẦN MINH
Đối tượng nào được BHYT chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19?