Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp lại bà Lê Thị Thú, cái tuổi học trò ùa về. Lớn lên mỗi người đi một ngả, đứa vào bộ đội ra chiến trường chiến đấu, đi tình nguyện xung phong (TNXP) có mặt trên các trọng điểm ở tỉnh nhà như Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, cầu Nghèn, đứa vào trường đại học. Còn bà Thú ở lại quê hương, vào dân quân tự vệ, một chiến sĩ Trung đội pháo mặt đất 57 ly bảo vệ bờ biển, gian khổ, căng thẳng không khác gì những người ở ngoài chiến trường.
Bà Lê Thị Thú lập công xuất sắc, người bắn cháy tuần dương hạm Mỹ đầu tiên ở Hà Tĩnh.
Quê tôi một xã ven biển gần cửa Hội, trong cuộc chiến tranh phá hoại với đế quốc Mỹ tất cả cầu, cống trên địa bàn đều bị máy bay, tàu chiến Mỹ bắn phá đêm ngày. Nhiều người dân bị giặc Mỹ giết hại. Bắt đầu từ năm 1967, tàu chiến Mỹ - Ngụy áp sát gần bờ bắt bà con ngư dân không cho ra khơi đánh bắt. Họ truy tìm các thuyền vận tải của ta vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị vào chiến trường miền Nam. Đánh các tàu vận tải ra vào cửa Hội, không cho ta đưa hàng vào cảng Bến Thủy, cảng Xuân Hải dọc sông Lam. Địch cho rằng quê tôi là trạm trung chuyển hàng ra mặt trận, nên tập trung đánh phá.
Ông Ngô Nuôi, người chính trị viên xã đội có công xây dựng, giáo dục, rèn luyện Trung đội pháo mặt đất 57 ly lập nên chiến công vang dội (đã mất).
Trước tình hình hoạt động của kẻ thù rất căng thẳng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh quyết định thành lập ở xã Xuân Liên 1 Trung đội dân quân pháo mặt đất, 2 khẩu 57 ly bảo vệ bờ biển. Trung đội gồm những nam nữ tuổi đời đang còn trẻ có tinh thần chiến đấu cao, gan dạ dũng cảm, chia làm 2 khẩu đội. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phái chiến sĩ Tân và chiến sĩ Châu về huấn luyện Trung đội suốt 5 tháng liền. Trong xã lập 2 trận địa, một trận địa ở xóm Cường Thịnh, một trận địa khác ở xóm Linh Trù. Các trận địa nằm dưới rừng phi lao, ngụy trang rất kín đáo. Hàng ngày, Mỹ dùng 2 chiếc máy bay AD6 bay thấp dọc bờ biển, trinh sát, phát hiện mục tiêu bắn chỉ điểm gọi máy bay phản lực đến đánh phá. Do đó, mọi hoạt động của Trung đội phải ngụy trang rất kín đáo. Đi lại, phơi quần áo phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của đơn vị. Để đảm bảo bí mật, an toàn pháo di chuyển liên tục, ở trận địa này một thời gian, lại chuyển sang trận địa khác. Phần lớn di chuyển pháo đều kéo bằng tay vào ban đêm, gần 2km.
Bà Hà Thị Thịnh 6 năm làm quân báo, có những lúc mưa to, gió lớn, đêm đông lạnh buốt đi bộ 4-5km đưa mật khẩu cho các xã Xuân Thành, Cương Gián, thông báo tình hình hoạt động của địch trên biển, 10 năm làm Xã Đội phó xã Xuân Liên chia sẻ: “Muốn tìm hiểu về trận Trung đội dân quân pháo mặt đất 57 ly bắn cháy tuần dương hạm của Mỹ thì gặp bà Thú. Bà Thú là người trực tiếp bắn hôm đó”.
Tôi hỏi bà Thú: “Xã ta vinh dự là đơn vị dân quân đầu tiên tỉnh Hà Tĩnh bắn cháy tuần dương hạm của Mỹ, bà có thể nói lại cho PV biết”.
Nghe tôi nói vậy bà Thú im lặng một lúc rồi nói: “Nghe PV hỏi mình xúc động vô cùng. Mới ngày nào đó, các chiến sĩ còn trực chiến cùng nhau trên trận địa, chuyện gì cũng kể cho nhau nghe, một lá thư người yêu truyền tay nhau đọc, thế mà hôm nay đầu ai cũng bạc, nhiều đồng đội không còn nữa. Ông Ngô Nuôi, chính trị viên xã đội; ông Nguyễn Tờ, Xã Đội trưởng; ông Lê Đài, Trung Đội trưởng đã về với tổ tiên cả rồi. Lãnh đạo nay chỉ còn bà Hà Thị Thịnh. Thương bà Thịnh lắm, 16 năm lăn lộn với bom đạn, chỗ nào gian khổ ác liệt bà đều có mặt, nay không được hưởng một chế độ gì. Người dân Xuân Liên ai cũng nói bà Thịnh là người có cống hiến lớn, nhưng thiệt thòi nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước".
Xoay người nhìn về phía bà Thịnh, bà Thú nói tiếp: "Lúc đó trong trung đội, các chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ. Được bộ đội nhiệt tình huấn luyện, ai cũng tự giác học tập nên chỉ trong một thời gian ngắn mọi động tác, của từng pháo thủ đều thuần thục. Tỉnh đội, Huyện đội về kiểm tra đều hài lòng, trung đội thường xuyên được trên biểu dương, khen thưởng.
Các chiến sĩ lấy tinh thần chiến đấu, đánh Mỹ là trên hết, không ai nghĩ ngợi thiệt hơn. Những chiến sĩ gia đình làm ngư nghiệp mỗi tháng được nhà nước bán cho 5kg lương thực, còn chiến sĩ gia đình làm nông nghiệp thì Hợp tác xã chấm điểm, mùa về dựa vào điểm chia thóc. Gia đình có gì thì các chiến sĩ trong trung đội ăn nấy. Hàng ngày sau thời gian huấn luyện, thay phiên nhau trực chiến. Trung đội nhiều lần bắn tàu biệt kích Mỹ - Ngụy (tàu biệt kích nhỏ hơn tàu chiến) có khi nó vào gần bờ 5-6km bắt ngư dân đánh cá, mục đích của chúng không cho ngư dân ta sản xuất, làm cho kinh tế đã khó khăn, lại càng khó khăn, mặt khác chúng bắt ngư dân về khai thác lực lượng phòng thủ của ta ven biển, vị trí bố trí trận địa pháo mặt đất, pháo phòng không của quân ta, hoạt động tuần tra ven biển vào các buổi tối của các lực lượng, tàu bè ra vào Cửa Hội. Trong xã có 2 thanh niên trong lúc đánh cá trên biển bị bắt. Một người chúng đưa đi đâu mất tích. Chính vì thế mỗi kíp trực chiến, tất cả sẵn sàng chiến đấu rất cao.
Bà Hà Thị Thịnh (Xã Đội phó, người bên trái) và bà Lê Thị Thú (bên phải) nay trở thành đôi bạn thân thiết.
Buổi sáng ngày 28/02/1968 là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi. Khoảng 08 giờ 30 phút thấy 2 chiếc tuần dương hạm của địch chạy từ trên đảo mắt xuống. Đến địa phận biển Nghi Xuân nó chạy thẳng vào bờ, đuổi ngư dân đánh đánh cá. Nhận được lệnh của trên theo dõi sát 2 chiếc tuần dương hạm của địch, đúng thời cơ là nổ súng. Súng của chúng tôi bắn xa 8,4km. Bà Hoàng Thị Liên lấy ống nhòm quan sát, đo xa tàu địch chiếc gần nhất vào cách bờ 7km. Thời cơ đến trung đội quyết định nổ súng. Bà Hoàng Thị Liên chỉnh thước ngắm, tôi nạp đạn, 1 quả, 2 quả rồi 3 quả đạn bay đi. Ngay lập tức đơn vị pháo 105 ly bộ đội chủ lực bắn chi viện cho chiến sĩ. Thấy một cột khói đen bốc lên. 2 chiếc tuần dương hạm liền quay đầu ra khơi. Chúng bắn trả cấp tập, nhưng không quả nào trúng trận địa. Cùng thời gian đó chính trị viên, xã đội Ngô Nuôi; Xã Đội trưởng Nguyễn Tờ, Xã Đội phó Hà Thị Thịnh tới. Chính trị viên, xã đội Ngô Nuôi hỏi sao không bắn phát đạn nổ nào mà toàn bắn đạn xuyên. Tôi bảo vội quá không kịp lắp ngòi nổ.
Hai chiếc tuần dương hạm quay ra thì máy bay phản lực tới bắn rốc két thả bom sát thương vào trận địa. Cả rừng cây phi lao đổ ngổn ngang, các chiến sĩ vào hầm đạn trú ẩn, khói bụi bay mịt mù, trời tối om. Rất may chúng thả bom sát thương, nếu chúng thả bom xuyên, hay bom phá thì nguy to. Các đơn vị dân quân trực bắn máy bay trong xã, cùng với bộ đội biên phòng đánh trả máy bay địch quyết liệt. Chúng bắn phá một lúc không phát hiện được mục tiêu rồi bỏ đi.
Tiếng máy bay vừa dứt, các chiến sĩ trong trung đội chạy ùa ra trận địa tưởng chúng tôi không còn ai sống nữa. Nhưng rất may không người nào việc gì, chỉ có Xã Đội trưởng Nguyễn Tờ bị thương không nặng lắm. Chúng tôi ôm nhau xúc động vô cùng. Cùng nhận được tin vui từ rađa bộ đội Hải quân ở trên núi Hồng Lĩnh thông báo, đơn vị dân quân pháo mặt đất 57 ly xã Xuân Liên bắn cháy tuần dương hạm của địch. Đây cũng là đơn vị dân quân pháo mặt đất đầu tiên của Hà Tĩnh bắn cháy tuần dương hạm. Tin vui lan nhanh khắp cả tỉnh, cả Quân khu 4. Lúc đó, trung đội mới biết mình vừa lập chiến công lớn.
Đơn vị được Quân khu 4 mời đi báo cáo điển hình, phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị bạn học tập. Bà Hoàng Thị Liên và bà Nguyễn Thị Viên ăn nói lưu loát hơn nên đại diện cho trung đội đi báo cáo. Xuân Liên trong chiến tranh là một đơn vị điển hình, tiên tiến của tỉnh và Quân khu 4”.
Tôi hỏi bà Thú: “Hàng năm các chiến sĩ trong trung đội có hay tổ chức gặp mặt hay không?”. Bà chia sẻ: “Trước đây nhiều người trong trung đội có nguyện vọng đó. Nhưng không ai đứng ra tổ chức, nay kẻ mất người còn, nguyện vọng đó chắc không thể có. Nhưng tôi áy náy nhất mấy chục chiến sĩ chỉ có ba, bốn người gì đó được hưởng chế độ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, còn lại không có chế độ gì cả”.
Nhiều người dân Xuân Liên trao đổi với PV, dân quân xã nhà bắn cháy tuần dương hạm của Mỹ là một kỳ tích trong chiến tranh, bởi tuần dương hạm của địch hiện đại lắm. Thành tích này là một vinh dự, tự hào cho xã nhà. Nhưng hôm nay thế hệ trẻ trong xã, kể cả lãnh đạo xã nhiều người không biết sự kiện đã đi vào lịch sử trên quê hương. Thành tích đáng tự hào như vậy nay đã lãng quên. Đáng lẽ ra, xã nên xây dựng ở ngay trận địa pháo năm xưa bắn cháy tuần dương hạm của Mỹ một tấm bia để ghi lại sử kiện lịch sử này làm nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
HẢI HƯNG