/ Pháp luật - Đời sống
/ Trừ điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe

Trừ điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe

12/06/2024 07:04 |

(LSVN) - Ngày 11/6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Một trong những vấn đề lớn tại dự thảo Luật TTATGT đường bộ được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội báo cáo tại phiên họp đó là quy định về điểm của giấy phép lái xe (GPLX) (Điều 58).


Ảnh minh họa.

Theo đó, báo cáo tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thấy rằng, quy định điểm, trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX) trong dự thảo Luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp GPLX, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài, nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Do đó, việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm GPLX trong dự thảo Luật là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển hiện nay. Việc kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ không phải là sát hạch lại để cấp GLPX, nhưng có nội dung tương tự như nội dung sát hạch lý thuyết cấp GPLX. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề xuất tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội và chỉnh sửa quy định kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ theo quy định tại khoản 8, Điều 60 của dự thảo Luật; còn thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật giao cho lực lượng CSGT. 

Tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật TTATGT đường bộ. Đối với quy định về điểm của GPLX, đa số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật được tiếp cận như một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp GPLX, qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ và phòng ngừa vi phạm..

Phát biểu nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính thuyết phục hơn; đồng thời, xem xét, đánh giá, giải trình kỹ lưỡng việc trừ điểm có phải là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung hay không? Bởi, khi thực hiện biện pháp này vẫn phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ. Mặt khác, theo quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 57, dự thảo Luật, thì việc trừ điểm sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là GPLX không còn hiệu lực sẽ tương tự như xử phạt vi phạm hành chính là tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, khả thi, tránh có nhiều cách hiểu khác nhau về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cân nhắc bổ sung trong dự thảo Luật một nguyên tắc cơ bản trong việc trừ điểm GPLX.

Giải trình nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, điểm trừ GPLX là một trong những kinh nghiệm của các nước, họ giao cho cơ quan CSGT thực hiện kiểm tra lại GPLX. Theo Thứ trưởng, khi lái xe bị trừ hết điểm thì phải kiểm tra lại tâm lý, sức khoẻ tâm thần, ma túy và kiến thức pháp luật về an toàn giao thông thì mới được cấp GPLX hoặc cấp điểm tiếp. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng mà Bộ Công an đã nghiên cứu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tích cực tiếp thu ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 7; đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục chú trọng đến kỹ thuật lập pháp của từng quy định, vì đây là dự thảo Luật được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm khi phạm vi điều chỉnh liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật theo hướng bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng luật của Đảng cũng như các chính sách lớn mà đại biểu Quốc hội đã nêu. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, phải có giải trình một cách thấu đáo để đại biểu Quốc hội xem xét, biểu quyết, bảo đảm sự thống nhất cao.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu nghiên cứu giải trình rõ hơn về quy định điểm của GPLX, bổ sung nguyên tắc cơ bản trong việc trừ điểm và trách nhiệm sát hạch lại, tránh chồng lấn trong quản lý Nhà nước.

Cùng liên quan đến đến đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe trong dự án Luật TTATGT đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã có lý giải về đề xuất này. Cụ thể, theo Cục Cảnh sát giao thông, trung bình mỗi năm có hơn 500.000 trường hợp bị tước bằng lái, tuy nhiên, việc tước bằng lái hiện nay cũng đang thực hiện thủ công nên nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy.

Điều này dẫn đến tồn đọng nhiều giấy phép lái xe ở cơ quan chức năng, làm tăng chi phí, lãng phí nguồn lực trong khi không quản lý được hữu hiệu người điều khiển phương tiện.

Theo đó, việc trừ điểm giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật TTATGT đường bộ là biện pháp quản lý Nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính nên vừa mang tính răn đe, vừa có tính chất giáo dục, động viên người dân chấp hành luật giao thông.

Việc trừ điểm/phục hồi điểm số cũng giúp cơ quan quản lý giám sát tốt hơn, toàn diện hơn quá trình chấp hành pháp luật của người tham giao thông. Cục Cảnh sát giao thông cho hay, thủ tục trừ/phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ được tiến hành đơn giản, không phiền hà cho người vi phạm.

Trước đó, Bộ Công an đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe theo thang 12 điểm. Cụ thể, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, được lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm. Số điểm cụ thể bị trừ tương ứng với từng trường hợp vi phạm và sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Dữ liệu trừ điểm sẽ được cập nhật trên hệ thống dữ liệu ngay khi hình thức xử phạt có hiệu lực và người lái xe được thông báo nội dung này.

Nếu giấy phép lái xe chưa bị trừ hết 12 điểm và tài xế không bị trừ điểm thêm lần nào trong 12 tháng gần nhất, sẽ được phục hồi đủ số điểm. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Cục Cảnh sát giao thông tổ chức. Khi học xong, đạt kết quả thì bằng lái được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm trước khi đổi. Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

MINH NGUYÊN (t/h)

Bảo đảm công tác y tế phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Nguyễn Hoàng Lâm