1. Điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA
(LSVN) - Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2022 – 2027 (Hiệp định EVFTA) mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
Theo dự thảo, Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho từng năm, kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2027, áp dụng đối với 737 dòng thuế.
Về mức thuế xuất khẩu ưu đãi: Thuế suất trung bình năm 2022 là 14,8%; năm 2023 là 10,1%; năm 2024 là 9,6%; năm 2025 là 8,4%; năm 2026 là 8% và năm 2027 là 7,5%.
Về điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA là hiệp định thứ hai sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cam kết cắt giảm/xoá bỏ thuế xuất khẩu. Hiệp định này không có quy định cụ thể về các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi.
Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào các lãnh thổ quy định tại Nghị định theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có bản sao chứng từ vận tải và tờ khai hải quan nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc các lãnh thổ quy định tại Nghị định.
Về thủ tục áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định EVFTA: Theo quy định hiện hành, người khai hải quan thực hiện khai hải quan theo quy định tại mục V của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, biểu thuế xuất khẩu ưu đãi ban hành kèm theo dự thảo Nghị định chỉ áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu có điểm đến là các lãnh thổ quy định tại Nghị định nên cần bổ sung 02 loại hồ sơ (bản sao chứng từ vận tải và bản sao tờ khai hải quan nhập khẩu) để tránh các trường hợp gian lận thương mại.
Việc bổ sung này không phát sinh thêm thủ tục hành chính mà chỉ phát sinh thêm giấy tờ cần nộp để chứng minh lô hàng đủ điều kiện được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Việc bổ sung bản sao chứng từ vận tải và bản sao tờ khai nhập khẩu phù hợp với quy định của Điều 71 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
MAI HUỆ
Đề nghị người dân ký giấy cam kết nếu không tiêm vaccine Covid-19
2. Người sử dụng lao động không tăng lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP sẽ bị xử lý như thế nào?
(LSVN) - Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng được tăng thêm 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành. Vậy, nếu người sử dụng lao động không tăng lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP sẽ bị xử lý như thế nào?
Khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định trường hợp người sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định thì bị xử phạt như sau:
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Theo quy định nêu trên, trong trường hợp người sử dụng lao động không trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ quy định từ ngày 01/7/2022 thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tương đương với mức độ vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải trả đủ tiền lương cộng với một khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất được tính theo lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
DUY ANH
Đối tượng nào được tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022?
3. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự
(LSVN) – Đây là một trong những nội dung đáng chú ý Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cụ thể, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Báo cáo không đầy đủ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; báo cáo không đầy đủ số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định;
- Cố ý báo cáo không chính xác danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; báo cáo không chính xác số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không báo cáo danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi;
- Không báo cáo số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận trở lại trường học; không tiếp nhận và bố trí việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc báo cáo theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Buộc tiếp nhận trở lại trường học; tiếp nhận và bố trí việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
DUY ANH
Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa
4. Điều kiện mua nhà ở để phục vụ tái định cư
(LSVN) - Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về điều kiện mua nhà ở để phục vụ tái định cư? Bạn đọc P.L. hỏi.
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Nhà ở 2014, nhà ở để phục vụ tái định cư là nhà ở để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, bị giải tỏa nhà ở theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, có 03 đối tượng thuộc diện được thuê, thuê mua, mua nhà ở để phục vụ tái định cư bao gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thuộc diện bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất ở gắn với nhà ở và phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai và không có chỗ ở nào khác;
- Hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở 2014.
Về điều kiện mua nhà ở để phục vụ tái định cư quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 99/2015/NĐ-CP như sau:
- Trường hợp đối tượng thuộc (1) và (2) mục 2,có nhu cầu mua nhà ở thương mại hoặc thuê, thuê mua, mua nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư thì phải có tên trong danh sách được bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có đơn đề nghị bố trí nhà ở tái định cư theo mẫu do Bộ Xây dựng ban hành;
- Trường hợp đối tượng quy định thuộc (1), (2) có nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội thì phải có tên trong danh sách được bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có đơn đề nghị bố trí nhà ở tái định cư bằng nhà ở xã hội theo mẫu do Bộ Xây dựng ban hành và phải thuộc diện chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở;
- Trường hợp thuộc đối tượng (3) thì được bố trí nhà ở tái định cư theo quy định tại Điều 115, Điều 116 của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Như vậy để mua nhà ở phục vụ tái định cư thì hộ gia đình, cá nhân phải thuộc điều kiện nêu trên.
TIẾN HƯNG
Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa
5. VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm vụ án hình sự
(LSVN) - Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Cao Minh T và đồng phạm, phạm tội “Giết người" và tội "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng", bị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm vì quyết định hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không đúng với quy định pháp luật, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng thấy cần thông báo để các Viện Kiểm sát trong khu vực rút kinh nghiệm chung.
Ảnh minh họa.
Nội dung vụ án
Đêm ngày 19/11/2020, vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa Võ Tuấn Q. (Q. lùn) và Nguyễn Xuân H. (H. Ven), Nguyễn Cao Minh T. (T. lực sỹ) đã chuẩn bị một khẩu súng AK (với hộp tiếp đạn có 04 viên đạn), Nguyễn Đức Việt Đ. chuẩn bị 01 khẩu súng tự chế, sau đó cùng Võ Tuấn Q., Phạm Hoàng A. điều khiển xe mô tô đi tìm nhóm thanh niên Võ Lâm (nhóm H. Ven) để đánh nhau. Đến khu vực ngã ba đường ĐD – DT, thấy có nhóm thanh niên đang đuổi theo từ phía sau nghi ngờ là nhóm người của H. Ven nên Nguyễn Cao Minh T. đã lấy hộp tiếp đạn lắp vào súng, lên đạn và bắn 2 phát liên tục hướng lên trời; Nguyễn Đức Việt Đ. cũng lấy súng ra hướng ra sau bắn 01 phát. Sau khi bắn, thấy nhóm này vẫn đuổi theo nên T. đã hướng nòng súng AK về phía nhóm thanh niên phía sau bắn một phát. Viên đạn do T. bắn đã trúng vào bụng Trần Đức Y. đang điều khiển xe mô tô đi phía sau cùng chiều gây thương tích với vết thương thủng dạ dày do hỏa khí, với tỷ lệ tổn thương 32%.
Sau khi gây án, T. đã giấu khẩu súng AK vào lùm cây bên đường và điện thoại báo cho Nguyễn Thành G. (Tý), Q cũng để xe mô tô lại rồi bỏ chạy. Nguyễn Đức Việt Đ. và Phạm Hoàng A. đã đến vị trí cất giấu súng AK và lấy súng bỏ vào túi da màu đen kèm theo 02 viên đạn thể thao và 02 viên đạn AK đưa Nguyễn Thành G. đem túi đựng súng đi cất giấu.
Quá trình xử lý vụ án
* Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2022/HSST ngày 06/01/2022 của TAND tỉnh K đã tuyên các bị cáo phạm tội như sau:
- Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 khoản 3 Điều 57; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự (BLHS), xử phạt bị cáo Nguyễn Cao Minh T. 14 (mười bốn) năm tù về tội “Giết người”. Áp dụng: khoản 1 Điều 304; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Cao Minh T. 03 (ba) năm tù về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Áp dụng Điều 55 BLHS: Tổng hợp hình phạt với bị cáo Nguyễn Cao Minh T.: 17 (mười bảy) năm tù.
- Áp dụng: Điểm n, p khoản 1 Điều 123; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 3 Điều 57; Điều 58; Điều 38 BLHS, xử phạt bị cáo Võ Tuấn Q. 11 (mười một) năm tù về tội “Giết người”.
- Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 3 Điều 57; Điều 58; Điều 38 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Hoàng A. 09 (chín) năm tù về tội “Giết người”. Áp dụng: khoản 1 Điều 304; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Hoàng A. 22 (hai mươi hai) tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Áp dụng Điều 55 BLHS: Tổng hợp hình phạt với bị cáo Phạm Hoàng A.: 10 (mười) năm 10 (mười) tháng tù.
- Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123; điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 101; khoản 3 Điều 102; Điều 58 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Việt Đ. 06 (sáu) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Giết người”. Áp dụng Điều 104 BLHS: Tổng hợp hình phạt với Bản án số 67/2021/HS-ST ngày 17/6/2021 của TAND thành phố K, bị cáo Nguyễn Đức Việt Đ. phải chịu hình phạt chung cho cả hai bản án là: 08 (tám) năm 06 (sáu) tháng tù.
- Áp dụng: Khoản 1 Điều 304; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Thành G. 24 (hai mươi bốn) tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 30/11/2020.
- Ngoài ra bản án còn tuyên về xử lý vật chứng và án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
* Bản án hình sự phúc thẩm số 66/2022/HS-PT ngày 21/3/2022 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Việt Đ. sửa một phần Bản án sơ thẩm số 01/2022/HSST ngày 06/01/2022 của TAND tỉnh K. Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 57; khoản 2 Điều 101; khoản 3 Điều 102; Điều 58 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Việt Đ. 04 (bốn) năm tù về tội “Giết người”.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Tòa án nhân dân tỉnh K quyết định hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Đức Việt Đ. không đúng quy định pháp luật, vì: Nguyễn Đức Việt Đ. khi thực hiện hành vi phạm tội chỉ mới 15 tuổi 9 tháng 07 ngày, bị cáo phạm tội cùng với các đồng phạm khác thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo quy định tại Điều 57 BLHS. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 năm 06 tháng tù về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS, là có vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật để xét xử người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt theo quy định tại khoản 2 Điều 101 và khoản 3 Điều 102 BLHS.
Khoản 2 Điều 101 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau: “Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù”;
Khoản 3 Điều 102 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt cao nhất tại Điều 100 và 101 của Bộ luật này”.
Theo những quy định trên thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với bị cáo Nguyễn Đức Việt Đ. là 04 năm tù. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 06 năm 06 tháng tù là vượt quá mức án tối đa mà luật quy định.
PV
Phân biệt giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính1.
6. Điều kiện để Công an xã được quyền đăng ký, cấp biển số xe máy
(LSVN) -
Tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA, được sửa bởi Thông tư 15/2022/TT-BCA quy định rõ Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình; tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.
Điều kiện, thẩm quyền đăng ký, cấp biển số xe của Công an cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Thông tư này. Cụ thể, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định sau khi thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông:
- Thực hiện phân cấp đăng ký xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên cho Công an cấp huyện, thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
- Thực hiện phân cấp đăng ký, biển số xe ô tô, xe máy kéo, rơmoóc, sơ mi rơmoóc và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên cho Công an cấp huyện; thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
- Thực hiện phân cấp đăng ký, biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên cho Công an cấp xã có số lượng trung bình 03 năm liền kề gần nhất, đã đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong 01 năm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa bàn cấp xã (trừ các quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; các thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng Cảnh sát giao thông đặt trụ sở và cấp xã nơi Công an cấp huyện đặt trụ sở).
- Thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, Cổng Dịch vụ công quốc gia, thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Như vậy, xã nào mà trong 03 năm gần nhất có số lượng xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký mới của cá nhân đăng ký thường trú; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặt trụ sở trên địa bàn từ xã đó từ 250 xe trở lên/năm thì công an xã sẽ được giao quyền cấp đăng ký, biển số xe máy.
Với những xã không đủ điều kiện để được cấp biển số xe theo quy định tại Thông tư 15/2022/TT-BCA thì việc đăng ký, cấp biển số xe sẽ được giải quyết tại Công an cấp huyện.
TIẾN HƯNG
Quy trình bãi nhiệm tư cách ĐBQH theo quy định pháp luật?
7. B có phạm tội ‘Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy’?
(LSVN) - B có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị Công an bắt quả tang. Hành vi của B có phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” hay không? Tình huống này hiện có những quan điểm giải quyết khác nhau.
B là một đối tượng nghiện ma túy lâu năm. Vào ngày 20/10/2021 đối tượng B, sinh năm 1995 đang sử dụng ma tuý tại nhà mình (nhà của B do B đứng tên và quản lý) thì có 04 bạn nghiện đến chơi, thấy B có ma tuý và các dụng cụ sử dụng ma tuý ở đó nên 04 đối tượng này cùng vào sử dụng chung với B. Vì là bạn bè nên B đồng ý cho tất cả cùng sử dụng ma tuý tại nhà mình. Đang trong quá trình sử dụng ma tuý thì các đối tượng này bị lực lượng Công an bắt quả tang, thu giữ các dụng cụ sử dụng ma tuý và các mảnh giấy bạc (theo giám định là có bám dính ma tuý MDMA - không xác định được khối lượng do còn quá ít).
Thực tiễn vụ án trên ta thấy Nguyễn Văn B mua ma tuý về chỉ để sử dụng và không có mục đích khác, lượng ma túy thu giữ không đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”, do đó trong trường hợp này chỉ xem xét đến việc hành vi nêu trên của B có phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” theo Điều 256 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 hay không?
Về vụ việc này có một số quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi nêu trên của B không phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” vì theo Điều 256 BLHS năm 2015 thì tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định như sau:
“1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Mặt khác, đối chiếu với Điều 256 BLHS năm 2015 ta thấy ngôi nhà là của B, do B đứng tên và quản lý. B biết 04 đối tượng là bạn nghiện của mình bị nghiện ma tuý nhưng B vẫn đồng ý (ý thức chủ quan) để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ. Hành vi này của B đã đủ yếu tố cấu thành tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 256 BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 như sau: “b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu. chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy....”. Tuy nhiên tại Điều 3 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 11 năm 2015 đã bãi bỏ điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT. “Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2015. Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II, mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT”.
Đối chiếu theo quy định của điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT thì hành vi của B không phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” vì B là người nghiện ma túy và cùng cho người khác sử dụng ma tuý tại nhà mình nên không phạm tội này. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT đã bãi bỏ hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT nhưng vẫn chưa có hướng dẫn nào thay thế hướng dẫn nên theo nguyên tắc có lợi thì hành vi của B không phạm tội “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.
Vì vậy, ở quan điểm này hành vi của B không phạm tội “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.
Quan điểm thứ hai đây cũng là quan điểm của các tác giả cho rằng: Hành vi nêu trên của B đã phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 256 BLHS năm 2015.
Theo phân tích ở quan điểm thứ nhất ta thấy về chủ thể, khách thể, mặt khách quan, chủ quan của B thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 256 BLHS năm 2015.
Tuy theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT thì hành vi của B không phạm “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” vì B nghiện ma tuý và cùng cho người khác sử dụng tại nhà mình. Qua thực tiễn xử lý các tội về ma tuý, đặc biệt là tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì quy định tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT là một bất cập, quy định như vậy rất khó có thể xử lý hình sự các đối tượng tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy vì hầu hết trong số này là người nghiện. Sau khi bị bắt lại được thả khiến các cá nhân vi phạm coi thường pháp luật, dễ tái phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây gia tăng người nghiện ma túy tổng hợp và xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp “ngáo đá”.
Từ thực tiễn trên nên tại Điều 3 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT đã bãi bỏ điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT. Do đó trong trường hợp của B ta chỉ cần đối chiếu với hành vi của B với Điều 256 BLHS năm 2015 quy định:
“1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Do vậy, hành vi của B đã thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, không có văn bản nào hướng dẫn loại trừ trách nhiệm hình sự của B.
Từ những phân tích, lập luận nêu trên, quan điểm của chúng tôi cho rằng hành vi của B đã phạm vào “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo điểm d khoản 2 Điều 256 BLHS 2015.
Xin được trao đổi và mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc./.
NGUYỄN PHI HÙNG
Toà án Quân sự Quân khu 4
TP. HCM triển khai tổ chức tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 cho người dân
8. Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần nâng cao hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số
(LSVN) – Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, tác giả đưa ra một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Thực trạng phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số
Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam, nhất là tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình ở đây chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia; cờ bạc, nghiện ma túy; trình độ dân trí thấp; thiếu hiểu biết pháp luật… Với đàn ông là người dân tộc, nhiều người có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiềm chế được bản thân nên đã dẫn đến các hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn chịu ảnh hưởng bởi các phong tục lạc hậu, trọng nam kinh nữ, nhận thức người dân thấp; gia đình thường đông con, kéo theo đó là đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn…
Bên cạnh đó, do một số tập tục văn hóa ở địa phương miền núi, người phụ nữ dân tộc thiểu số phải mang gánh nặng công việc gia đình kể cả trong lao động sản xuất và làm việc nhà. Người phụ nữ dân tộc thiểu số dường như không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân, giao tiếp xã hội và tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc ít tham gia vào các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở địa phương. Khi họ là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình thì thường cam chịu, chưa biết cách tự bảo vệ bản thân mình. Công tác phòng, chống bạo lực của chính quyền cơ sở ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; cán bộ thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu và yếu; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thường xuyên; việc xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh.
Ngoài ra, thời gian qua, xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Bạo lực gia đình cũng được xem là một trong những tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, hạnh phúc gia đình, thậm chí gây thương vong cho người bị bạo lực gia đình. Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.
Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; bảo đảm phù hợp với các Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, tác giả đưa ra một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:
Thứ nhất, đề nghị bổ sung điểm đ, khoản 1 Điều 5, cụ thể như sau:
"đ) Người bị bạo lực gia đình phải được bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo; người đồng bào dân tộc thiếu số".
Lý do người đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được ưu tiên bảo về quyền và lợi ích hợp pháp khi bị bạo lực gia đình.
Đồng thời, bổ sung khoản 1 Điều 7 dự thảo luật cụ thể như sau:
"1. Nhà nước ưu tiên nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt nguồn lực để thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa".
Thứ hai, bổ sung khoản 2 Điều 10 về nghĩa vụ của thành viên trong gia đình: "Đề nghị cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền xử lý về bạo lực trong gia đình để kịp thời ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình" nhằm xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên trong gia đình trong việc ngăn chặn chặn các hành vi bạo lực gia đình.
Thứ ba, khoản 4 Điều 23 quy định về góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư: "4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tạo điều kiện cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình". Đề nghị bổ sung nội dung này như sau: "4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình". Có như vậy, mới đảm bảo tính khả thi của quy định, UBND xã không chỉ tạo điều kiện mà còn hướng dẫn về mặt nội dung, hỗ trợ kính phí, đảm bảo an ninh trật tự,…và các điều kiện thiết khác để Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện việc này.
Thứ tư, khoản 1 Điều 27 dự thảo luật quy định: "1. Mọi cá nhân khi phát hiện dấu hiệu bạo lực gia đình có khả năng báo tin phải thực hiện báo tin, tố giác bạo lực gia đình đến một trong các địa chỉ quy định tại khoản 2 Điều này."
Đề nghị sửa đổi cụm từ "có khả năng báo tin", đây cụm từ mang tính tùy nghi, cá nhân có thể thực hiện hoặc không thực hiện, tùy vào khả năng, nên không thể nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi cá nhân trong việc báo tin về hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này như sau: "1. Mọi cá nhân khi phát hiện dấu hiệu bạo lực gia đình có trách nhiệm thực hiện báo tin, tố giác bạo lực gia đình đến một trong các địa chỉ quy định tại khoản 2 Điều này".
Thứ năm, khoản 1 Điều 31 quy định: "1. Người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, tùy theo khả năng của mình có trách nhiệm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình".
Đề nghị sửa đổi bổ sung nội dung này như sau: "1. Người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, tùy theo khả năng của mình có trách nhiệm yêu cầu hoặc áp dụng các biện pháp cần thiết được pháp luật cho phép để ngăn chặn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình".
Mục đích quy định này là để ngăn chặn tức thì đối với hành vi dùng vũ lực giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
ĐỖ VĂN NHÂN
Một số ý kiến đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)
9. Điều kiện sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất
(LSVN) - Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư về quản lý thuốc thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; kê đơn, đơn thuốc thú y; sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc thú y.
Theo dự thảo, việc sản xuất trong nước các loại thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất chỉ được thực hiện tại cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y còn hiệu lực do Cục Thú y cấp.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất cùng trên dây chuyền sản xuất thuốc thú y đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực hiện theo quy định tại Điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất đối với trường hợp giấy chứng nhận bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc có thay đổi về thông tin của cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất đối với trường hợp có thay đổi về quy mô, địa điểm, chủng loại sản xuất thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ.
VĂN QUANG
Xem xét tính mức lương tối thiểu giờ có cộng thêm hệ số bổ sung
10. Chế độ trợ cấp một lần đối với cán bộ, chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ
(LSVN) - Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo Thông tư quy định về thực hiện chế độ trợ cấp đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ mà Bộ Công an đang lấy ý kiến của nhân dân.
Theo đó, cán bộ, chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 và khoản 1 Điều 8 Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg thuộc một trong các trường hợp sau, được hưởng chế độ trợ cấp một lần:
- Có dưới 15 năm công tác trong CAND;
- Có dưới 15 năm công tác trong Công an nhân dân; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương tiếp tục công tác ở xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc chế độ hưu trí;
- Có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương hiện đang công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành;
- Có dưới 15 năm công tác trong Công an nhân dân; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương hiện đang công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trợ cấp một lần được tính theo số năm công tác thực tế trong CAND: Từ đủ 2 năm (24 tháng) trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng; từ năm thứ 3 trở đi, cứ mỗi năm mức hưởng trợ cấp một lần được cộng thêm 800.000 đồng.
Dự thảo nêu rõ đối tượng áp dụng bao gồm:
- Cán bộ, chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 và khoản 1 Điều 8 Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ CAND;
- Các trường hợp quy định tại Điều 3 Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg không thuộc đối tượng áp dụng thực hiện Thông tư này.
HỒNG HẠNH
11. Mức phạt tiền đối với hành vi bán rượu, bia tại nơi không được bán
(LSVN) - Theo quy định của pháp luật, những địa điểm nào không được bán rượu, bia và mức phạt tiền đối với hành vi bán rượu, bia tại nơi không được bán như thế nào?
Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về địa điểm không bán rượu, bia như sau: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; Cơ sở bảo trợ xã hội; Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
Điều 31 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:
- Bán rượu, bia tại địa điểm không bán rượu, bia theo quy định của pháp luật;
- Mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi kinh doanh rượu bia trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu, bia từ 01 đến 03 tháng.
Như vậy trong trường hợp cá nhân bán rượu bia tại nơi không được bán sẽ bị phạt từ 05 đến 10 triệu đồng; mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt cá nhân theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
HỒNG HẠNH
Đề nghị người dân ký giấy cam kết nếu không tiêm vaccine Covid-19
12. Tồn quỹ tiền mặt hằng ngày tại đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới không quá 40 triệu VND
(LSVN) - Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới được tồn quỹ hàng ngày một số lượng tiền mặt đồng tiền của nước có chung biên giới theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng ủy quyền với tổ chức làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới nhưng tối đa tương đương không quá 40.000.000 VND để phục vụ hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới.
Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của nhân dân.
Theo dự thảo, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải bán toàn bộ số tiền mặt mua được (ngoài số tiền tồn quỹ được để lại) cho tổ chức tín dụng ủy quyền vào cuối mỗi ngày làm việc. Trong trường hợp địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cách xa tổ chức tín dụng ủy quyền, đi lại khó khăn thì tổ chức tín dụng ủy quyền căn cứ vào tình hình thực tế để thỏa thuận với tổ chức kinh tế về thời hạn bán số tiền mặt mua được nhưng tối đa không quá 7 ngày làm việc.
Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới được tồn quỹ hàng ngày một số lượng tiền mặt đồng tiền của nước có chung biên giới theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng ủy quyền với tổ chức làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới nhưng tối đa tương đương không quá 40.000.000 VND để phục vụ hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới.
Trường hợp có nhu cầu tăng mức tồn quỹ (bao gồm cả trường hợp tăng vượt mức tồn quỹ tối đa), tổ chức kinh tế phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, các đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng đồng Việt Nam mua tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt.
Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt lấy đồng Việt Nam cho cá nhân theo quy định.
Tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận với tổ chức tín dụng ủy quyền trong hợp đồng đại lý về việc đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới ở một hoặc nhiều địa điểm tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.
VĂN QUANG
Hướng dẫn hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
13. Những nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh
(LSVN) - Ngày 15/6/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15. Trong đó, Luật quy định rõ về những nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.
Luật này quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh.
Cụ thể, tại Điều 9 Luật Điện ảnh quy định những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Theo đó, nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung sau đây:
- Vi phạm Hiến pháp, pháp luật; kích động chống đối hoặc phá hoại việc thi hành Hiến pháp, pháp luật;
- Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, giá trị văn hóa Việt Nam; xúc phạm Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca;
- Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù, kì thị giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng phản động, tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội;
- Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Truyền bá, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan;
- Kích động, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, cổ súy cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
- Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa;
- Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân;
- Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên;
- Vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới, định kiến giới, phân biệt đối xử về giới.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
DUY ANH
Từ ngày 01/7/2022 sẽ chuyển đổi sang hệ thống đấu thầu mới
14. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh
(LSVN) - Vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15. Vậy theo quy định của Luật mới này, những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Điện ảnh, pháp luật nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:
- Phát hành, phổ biến phim trong rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có Giấy phép phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh (sau đây gọi là Giấy phép phân loại phim) hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình (sau đây gọi là Quyết định phát sóng);
- Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết qua phân loại phim theo quy định của Luật này;
- Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đối với phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;
- Sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu chiểu, lưu trữ phim không tuân thủ quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;
- Sao chép phim khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu phim, trừ trường hợp Luật sở hữu trí tuệ có quy định khác;
- Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng;
- Thẩm định, cấp Giấy phép phân loại phim trái quy định của pháp luật.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
HỒNG HẠNH
Từ ngày 01/7/2022 sẽ chuyển đổi sang hệ thống đấu thầu mới
15. Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo lao động sang nước ngoài làm việc
(LSVN) - Những ngày này, nhiều gia đình tại huyện biên giới Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đang lo lắng cho con em họ ở bên kia biên giới. Chỉ vì tin theo lời quảng cáo tuyển dụng trên mạng xã hội, một số em đã xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, sang đến nơi, các em mới biết điều kiện lao động khó khăn, nếu muốn trở về Việt Nam, phải đưa tiền chuộc.
Đã nhiều ngày nay, bà Phạm Thị T ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song rất lo lắng khi con trai 18 tuổi của bà đã bị lừa sang nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”. Gia đình bà T không thể gọi điện cho con trai. Lâu lâu, bà T nhận được vài cuộc gọi, tin nhắn qua mạng xã hội của đối tượng lạ, hối thúc gia đình nộp tiền để chuộc con về. Theo lời bà T, các đối tượng yêu cầu gia đình bà mang 35 triệu xuống khu vực biên giới thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh để chuộc con. Bà T đòi gặp con trước nhưng các đối tượng không đồng ý.
Hồi tháng 5 vừa qua, cháu Bùi Hoàng H (ở xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) nghe bạn xúi giục qua bên kia biên giới đi làm việc nhàn hạ, chỉ cần biết gõ máy tính, lương mỗi tháng 20 triệu. Ngày 14/5, H giấu bố mẹ xuống Tây Ninh, sau đó xuất cảnh trái phép. Làm được một tháng, H nhận ra đây là một tổ chức lừa đảo. Công việc căng thẳng, điều kiện ăn ở chật chội, H đòi về. Các đối tượng ra điều kiện là gia đình H phải trả 67 triệu đồng. Nhận tin của con, bố H đã mang theo tiền, xuất cảnh trái phép để đi chuộc con.
Theo Công an huyện Đắk Song, tới nay, địa bàn huyện ghi nhận 7 lao động tuổi từ 16 - 18 bị lừa sang nước ngoài làm việc. Trong đó 4 trường hợp đã được gia đình chuộc về với số tiền từ 50 - 90 triệu đồng/trường hợp, 3 trường hợp còn lại vẫn ở nước ngoài. Theo thông tin trình báo của nạn nhân, khi sang bên kia biên giới, công việc hàng ngày là tuyển cộng tác viên trên các sàn thương mại điện tử giả mạo, kêu gọi đầu tư vào các sàn tiền ảo... để gọi điện về Việt Nam lừa đảo. Nạn nhân muốn trở về, phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền chuộc sang. Những trường hợp không có tiền chuộc sẽ bị trừng phạt theo kiểu “xã hội đen”.
Thời gian qua, địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều trường hợp người lao động tại các huyện Đắk Song, Đắk R’Lấp, Đắk Mil… bị lôi kéo, lừa đảo đi làm việc ở bên kia biên giới. Công an tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân cần cảnh giác, nếu có nhu cầu đi lao động nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
THU HƯƠNG
Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ hôm nay
16.