Giáo dục thể chất được chú trọng nhiều hơn khi Trung Quốc theo đuổi chính sách "giảm tải kép". Ảnh: China Daily.
Trung Quốc đã đưa mục tiêu giảm tải gánh nặng kiến thức học thuật đối với học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở vào Báo cáo Công tác chính phủ hàng năm, đồng thời tái cam kết thúc đẩy một nền giáo dục cân bằng, chất lượng cao.
Theo ấn phẩm được công bố trên tờ China Daily tuần qua, Bắc Kinh sẽ hướng đến nền giáo dục chất lượng, phát triển cân bằng, hội nhập giữa nông thôn và thành thị đối với hai cấp học trong chương trình giáo dục phổ cập kéo dài 9 năm này.
Tháng 7/2021, Trung Quốc ban hành chính sách “giảm tải kép” trong giáo dục – tức giảm áp lực bài tập về nhà, giảm tải học thêm đối với học sinh. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, sau khi triển khai quyết định này, số lượng học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở tham gia các khóa lớp học thêm tại các trung tâm theo hình thức trực tiếp giảm 92% và hình thức trực tuyến giảm 87%. Bộ này cũng chọn “giảm tải kép” là mục tiêu ưu tiên cho năm nay.
Chính sách giảm tải này cũng là một chủ đề thảo luận nóng tại kỳ họp lưỡng hội vừa qua. Nhiều đại biểu Quốc hội cùng giới cố vấn chính trị tiếp tục lên tiếng ủng hộ tìm kiếm cách thức để giảm tải gánh nặng bài tập về nhà, học thêm đối với học sinh. Có ý kiến cho rằng “giảm tải kép” là chính sách nổi bật nhất kể từ khi khi Trung Quốc nối lại hình thức thi tuyển quốc gia vào bậc đại học từ năm 1978.
Theo luật mới về giáo dục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua hồi tháng 10/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, chính quyền địa phương tăng cường giám sát nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ đối với học sinh, đồng thời các bậc phụ huynh, người giám hộ phải sắp xếp thời gian cho con học tập, nghỉ ngơi, vui chơi và tập thể dục một cách hợp lý, tránh tình trạng trẻ nghiện Internet.
TTXVN
Đề xuất mới về Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh phóng viên, biên tập viên