/ Kinh tế - Pháp luật
/ Trung Quốc phê chuẩn hiệp định thương mại quy mô nhất thế giới

Trung Quốc phê chuẩn hiệp định thương mại quy mô nhất thế giới

10/03/2021 07:57 |

(LSVN) - Sau Nhật Bản, đến lượt Chính phủ Trung Quốc công bố đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN do Việt Nam tổ chức.

Ảnh minh họa. 

Ngày 08/3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thông báo, Chính phủ nước này đã chính thức phê chuẩn RCEP, Hiệp định gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác.

Phát biểu với các phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII, ông Vương Văn Đào cho hay một số nước thành viên cũng đang thúc đẩy các thủ tục để phê chuẩn RCEP, đồng thời hy vọng các nước liên quan có thể đẩy nhanh tiến độ và cuối cùng đạt đủ điều kiện để thỏa thuận này có hiệu lực.

Ông Vương Văn Đào nhấn mạnh, RCEP sẽ có hiệu lực khi có khi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt hiệp định. Theo ông, việc hiệp định này có hiệu lực càng sớm sẽ tạo điều kiện để người dân của các nước tham gia càng sớm được hưởng lợi.

Cách đây ít ngày, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật phê chuẩn RCEP.

Hiệp định bao gồm 20 chương với các quy định cụ thể từ thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác kinh tế và kỹ thuật đến mua sắm của chính phủ.

RCEP được kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên. Đây là FTA đầu tiên bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Khi được đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỉ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới. Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, đưa ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

RCEP là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, việc ký kết RCEP cho thấy cam kết tập thể của các quốc gia thành viên đối với việc duy trì các chuỗi cung ứng mở và kết nối, đối với việc thúc đẩy thương mại tự do hơn và sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi RCEP sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.

Hiệp định RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Việc này đồng thời gửi đi thông điệp tới toàn thế giới và khu vực về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên. RCEP sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các quy tắc trong khoảng 20 lĩnh vực, bao gồm các luồng hàng hóa xuyên biên giới. Đối với Nhật Bản, thỏa thuận sẽ giảm bớt thuế quan cho các các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản - Liên minh châu Âu.

RCEP cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với 61% hàng hóa nhập khẩu sang Nhật Bản từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, cùng với 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc.

AN BÌNH/VGP

Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật phê chuẩn RCEP

Lê Minh Hoàng