Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN.
Tờ Guardian (Anh) đưa tin, kể từ năm 2017, Trung Quốc giữ vị trí chủ nợ song phương lớn nhất thế giới. Các ngân hàng phát triển của nước này đã cấp gần 500 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2021. Một số khoản này có trước sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI).
Một báo cáo mới của các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary (Mỹ) cho thấy Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hiện đang đảm nhận vai trò nhà thu hồi nợ quốc tế kiêm nhà tài trợ song phương cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Các nhà nghiên cứu của AidData phân tích 20.985 dự án ở 165 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã nhận tài trợ và khoản vay trị giá 1,34 nghìn tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021.
Khoản vay từ các ngân hàng Trung Quốc đã giúp xây dựng đường sắt ở Kenya, các nhà máy điện ở Campuchia, cùng hàng nghìn dự án khác. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi Trung Quốc tăng các khoản vay, số lượng dự án bị đình chỉ hoặc hủy bỏ cũng tăng. Với tỉ lệ cho vay cao dành cho các quốc gia đang hoặc có nguy cơ gặp khó khăn về tài chính, Bắc Kinh ngày càng lo lắng về nguy cơ vỡ nợ.
Vào tháng 6, Zambia đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm cơ cấu lại khoản nợ 6,3 tỉ USD, 2/3 trong số đó là nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Để giảm thiểu rủi ro vỡ nợ trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp, bao gồm giảm các khoản vay cho dự án cơ sở hạ tầng đồng thời tăng cường cho vay khẩn cấp. Năm 2015, dự án cơ sở hạ tầng chiếm hơn 60% danh mục cho vay của Trung Quốc. Đến năm 2021, tỉ lệ này chỉ còn hơn 30%, trong đó cho vay khẩn cấp chiếm gần 60%.
Các nhà kinh tế học ước tính rằng khoản vay chính phủ Trung Quốc dành cho các nước thu nhập thấp thường có lãi suất 2%. Trong khi đó, các khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) thường có lãi suất 1,54%.
Một biện pháp khác Trung Quốc áp dụng để giảm thiểu rủi ro là tăng hình phạt đối với trả nợ trễ. Các nhà nghiên cứu của AidData nhận thấy rằng giữa những năm đầu của BRI (2014-2017) và giai đoạn sau (2018-2021), Trung Quốc đã tăng lãi suất phạt tối đa đối với việc trả nợ trễ từ 3% lên thành 8,7%.
Giám đốc điều hành của AidData – ông Bradley Parks nhận định: “Trung Quốc sẽ không đứng nhìn sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu chủ chốt của nước này tan tành. Bắc Kinh hiện đang trong ‘nhiệm vụ giải cứu’ để tối thiểu gánh nặng nợ và chính phủ Trung Quốc cũng đang có chiến lược dài hạn. Nước này đang đặt ra một bộ bảo vệ hoàn nợ được thiết kế để phòng vệ trong tương lai cho Sáng kiến Vành đai, Con đường”.
PV/TTXVN