/ Tin thế giới
/ Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn UAV vũ trang, Ấn Độ lo ngại

Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn UAV vũ trang, Ấn Độ lo ngại

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) -Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu UAV vũ trang hàng đầu thế giới. Không những vậy, họ còn tích cực xuất khẩu UAV sang các nước láng giềng của Ấn Độ khiến Ấn Độ quan ngại…

Một chiếc UAV vũ trang của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Từ chỗ là một trong các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, trong đó có các thiết bị bay không người lái (UAV). Các phi cơ không người lái này giờ đã được Trung Quốc xuất sang hàng loạt nước, trong đó có Pakistan.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn xuất khẩu một loạt súng trường tấn công, đạn dược, chiến đấu cơ, và thậm chí cả tàu ngầm.

Một nghiên cứu mới đây về xuất khẩu UAV của Trung Quốc (nghiên cứu của Đại học Pennsylvania và Đại học Texas A&M) cho thấy có tới 18 nước mua UAV tấn công/vũ trang trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2019. Trong số này, 11 nước đã mua UAV từ Trung Quốc.

Trước năm 2011, chỉ có 3 nước sở hữu UAV vũ trang, đó là Mỹ, Anh, và Israel.

Nghiên cứu nói trên cho biết: “Sự gia tăng nhanh chóng hoạt động triển khai UAV trùng hợp với việc Trung Quốc nổi lên với tư cách là nhà cung cấp lớn các thiết bị này. Từ năm 2011-2019, 11 trong số 18 nước chúng tôi theo dõi đã mua UAV vũ trang từ Trung Quốc”.

Ít nhất từ tận năm 2011, Trung Quốc bắt đầu đàm phán với các nước như UAV và Pakistan để bán UAV tấn công cho họ.

Nghiên cứu khẳng định: “Kể từ đó, Trung Quốc đã thống trị thị trường xuất khẩu UAV vũ trang. Trong số 18 nước mua UAV vũ trang từ năm 2010 (không tính Trung Quốc), có 11 nước mua mặt hàng này từ Trung Quốc”, trong số đó có Saudi Arabia, UAE, Ai Cập, và Uzbekistan.

Vẫn theo nghiên cứu này, Mỹ chỉ cung cấp UAV cho Pháp trong thời kỳ này, trong khi đàm phán với Ấn Độ để bán UAV “săn mồi”.

Trung Quốc không bị ràng buộc vào chế độ “kiểm soát công nghệ tên lửa”

Điều tạo thuận lợi cho Trung Quốc xuất khẩu UAV vũ trang là, khác với Mỹ, Trung Quốc không phải là bên ký kết thỏa thuận “Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa” (MTCR) ra đời vào năm 1987 thời Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn ngừa sự phổ biến các tên lửa có khả năng mang vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo MTCR, Mỹ và các bên ký kết khác không thể xuất khẩu các hệ thống cấp độ I, đó là những tên lửa có năng lực đi xa hơn 300km và có thể mang đầu đạn nặng hơn nửa tấn.

Một báo cáo hồi tháng 3/2020 của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) (tổ chức có trụ sở ở Thụy Điển chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích về mua bán vũ khí) cho biết, mặc dù Trung Quốc tuyên bố tuân thủ MTCR, Bắc Kinh áp đặt tương đối ít hạn chế đối với cách thức khách hàng sử dụng vũ khí họ nhập từ Trung Quốc, kể cả trong trường hợp vi phạm luật quốc tế và nhân quyền.

Trung Quốc thuộc top 10 nhà xuất bản vũ khí hàng đầu, có thể đứng số 2 thế giới

UAV không phải là những vũ khí duy nhất mà Trung Quốc đang xuất khẩu.

Một báo cáo khác của SIPRI cho thấy 3 trong số 10 công ty vũ khí hàng đầu thế giới thuộc về Trung Quốc.

Tờ Japan Times trích dẫn lời Nan Tian, đồng tác giả của báo cáo này, nói: “Chúng tôi có thể tự tin tuyên bố rằng Trung Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ và thậm chí còn đứng trước cả Nga”.

Theo báo cáo thứ nhất của SIPRI, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới trong giai đoạn 2015-2019 và chiếm tới 5,5% tổng số các xuất khẩu vũ khí.

Báo cáo bổ sung thêm rằng số các nước nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc đã tăng đáng kể: Từ 40 nước vào giai đoạn từ năm 2010-2014 đến 53 nước trong giai đoạn 2015-2019. Pakistan là nước nhập khẩu chính (chiếm tới 35%) trong giai đoạn 2015-2019. Pakistan cũng là nước nhập khẩu hàng đầu trong tất cả các thời kỳ 5 năm, tính từ năm 1991.

Trung Quốc xuất vũ khí sang láng giềng Ấn Độ

Theo dữ liệu tình báo, Pakistan đang mua ít nhất 4 phiên bản UAV vũ trang mới nhất của Trung Quốc để bảo vệ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang cung cấp cho Pakistan 8 tàu ngầm mới chạy bằng diesel.

Hai nước cùng sản xuất máy bay tiêm kích JF-17 và Pakistan tiếp nhận súng trường tự động của Trung Quốc.

Trung Quốc cung cấp vũ khí cho tất cả các nước láng giềng của Ấn Độ, bao gồm Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, và Myanmar.

Theo tổ chức nghiên cứu mang tên “Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế” (trụ sở ở Mỹ), hầu hết các vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc (chiếm 82,8%) là xuất sang các nước gần Trung Quốc. “Xu hướng này tiếp tục khi Trung Quốc nổi lên với tư cách là nước đi đầu về buôn bán vũ khí toàn cầu”.

Tổ chức này cho hay, tổng cộng 61,3% vũ khí thông thường mà Trung Quốc bán kể từ năm 2008 là sang Pakistan, Bangladesh, và Myanmar, còn các nước châu Á còn lại mua 14% trong số vũ khí bán ra của Trung Quốc.

Ấn Độ quan ngại sâu sắc

Cựu tư lệnh lục quân Ấn Độ, tướng V.P. Malik (Retd) cho biết các vũ khí mà Trung Quốc cung cấp cho Pakistan thực sự là một mối quan ngại. Ông này nói thêm rằng, trong trận chiến Kargil năm 1999, có các báo cáo xác nhận sự xuất hiện của các vật thể bay nhỏ gần Đường Kiểm soát giữa 2 bên.

Cựu tư lệnh hải quân Đô đốc Prakash (Retd) lặp lại quan điểm của tướng Malik: “Các khách hàng lớn nhất của vũ khí Trung Quốc là các nước láng giềng của Ấn Độ”, Đô đốc Prakash nói.

Ông này giải thích rằng lý do vì sao Ấn Độ không thể thoát khỏi ảnh hưởng của Nga là “Ấn Độ có tới 60-70% thiết bị quân sự được nhập từ Nga”.

Đô đốc Prakash phân tích: “Khi bạn bán vũ khí cho một nước nào đó, bạn sẽ thu được nhiều ảnh hưởng tại đó”.

Cựu tướng Ấn Độ Ravi Shankar (Retd), cho biết, việc Trung Quốc xuất khẩu UAV vũ trang sang Ấn Độ kể từ năm 2000 là điều đáng ngại do Ấn Độ không có UAV vũ trang nào cả.

TRUNG HIẾU/VOV

/nhieu-quoc-gia-lo-ngai-khi-my-chinh-thuc-rut-khoi-hiep-uoc-bau-troi-mo.html