/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khai trương nền tảng “Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến”

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khai trương nền tảng “Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến”

26/06/2024 19:49 |

(LSVN) - Sáng ngày 26/6/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã khai trương nền tảng “Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến” (VIAC eCase) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đồng thời, tổ chức sự kiện mang tên VIAC SYMPOSIUM 2024 xung quanh chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”.

Tham dự sự kiện có ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bà Nguyễn Thị Mai, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC; bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu, Trưởng nhóm Phát triển Kinh tế, Cố vấn về hợp tác với khối tư nhân, USAID Vietnam; Tiến sỹ  Hà Công Anh Bảo, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên VIAC; ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: Với sứ mệnh của tổ chức trọng tài đại diện cho nền tài phán trọng tài của Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trong suốt 30 năm qua, dù nguồn lực còn nhiều hạn chế, đã luôn miệt mài đóng góp vào việc tạo ra nhiều diễn đàn lớn ở quy mô quốc gia và khu vực, về phòng ngừa rủi ro pháp lý, quản lý và giải quyết các tranh chấp hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với các giao dịch thương mại và đầu tư có yếu tố quốc tế. VIAC luôn nỗ lực theo đuổi mục tiêu giúp thúc đẩy sự phát triển năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức lựa chọn giải quyết, đóng góp cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của kinh tế đất nước.

Hiện nay, giải quyết tranh chấp trực tuyến hay ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang tiếp tục là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của chủ trương được Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ. Trong lĩnh vực tư pháp, hệ thống Tòa án hiện đang là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện chủ trương trên và bước đầu đã tạo dựng được những nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng Tòa án điện tử.

Ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại lễ khai trương.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Ở góc nhìn vĩ mô, kinh tế số hiện là một trong 03 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số được triển khai từ nền tảng là các giao dịch thực hiện trên không gian số - Giao dịch điện tử (các Hợp đồng điện tử). Các yếu tố về khung pháp lý để giúp thúc đẩy Hợp đồng điện tử có thể kể đến như Luật Giao dịch điện tử, Định danh điện tử (xác minh nhân thân các bên trên môi trường số), Chữ ký điện tử (là công cụ chính thể hiện ý chí của các bên trên môi trường số), chứng thực giao dịch điện tử, đang được các Bộ, Ngành cho triển khai mạnh mẽ. Các chỉ số thương mại điện tử cũng cho thấy những tiềm năng của nền kinh tế số ở Việt Nam: Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Mua sắm hàng hóa qua TMĐT hiện đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông. Nhìn sâu hơn ở góc nhìn vi mô, hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả. Hiện nay, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy việc sử dụng hợp đồng điện tử và tôi tin tưởng rằng nền tảng mà VIAC ra mắt ngày hôm nay sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới Kinh tế số của đất nước.

Để giải quyết những vấn đề đó, VIAC đã phát triển nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase) với những hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đây là một nền tảng với nhiều cải tiến, nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống cũng được kỳ vọng sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp; từ đó, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và giảm thiểu rác thải giấy và hạn chế tác động của khí thải nhà kính.

Các đại biểu tham dự sự kiện.

Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Với việc VIAC khai trương nền tảng “Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến” (VIAC eCase) đã tạo ra thêm các phương thức giải quyết tranh chấp bằng tài phán công và tài phán tư. Đồng thời, là cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu của trọng tài và xây dựng tòa án điện tử; trọng tâm của công tác cải cách tư pháp của nhà nước hiện nay. Tòa án nhân dân tối cao đánh gia cao việc VIAC đưa vào hoạt động nền tảng này, đây là cơ hội mở ra sự hợp tác giữa Tòa án nhân dân tối cao và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Theo đó, bên cạnh việc giải quyết các tranh chấp đúng pháp luật còn cần công khai, minh bạch và thời gian giải quyết cũng phải ngắn nhất.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam là tổ chức cung cấp các phương thức bổ trợ tư pháp - giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, hòa giải và các phương thức khác theo quy định pháp luật, VIAC luôn đặt trọng tâm và dành nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu cải tiến quy trình giải quyết tranh chấp tại Trung tâm. Ngay từ đầu năm 2018, VIAC đã thực hiện nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ hoạt động chuyển đổi số của Tòa án cũng như kinh nghiệm từ quốc tế và bước đầu hình thành rõ nét ý tưởng về việc xây dựng một nền tảng trực tuyến giúp Hội đồng trọng tài, ban thư ký, các bên tranh chấp và chủ thể liên quan trong một thủ tục trọng tài có thể quản lý một cách hệ thống và hiệu quả các vụ tranh chấp.

Khai chương nền tảng “Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến” (VIAC eCase).

Tranh chấp và Trọng tài trong Thương mại - Đầu tư xuyên biên giới

Có thể nói rằng, Thị trường toàn cầu đã và đang trải qua giai đoạn biến động chưa từng có với nhiều thách thức đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh quốc tế. Theo Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2024 của Liên Hợp Quốc, triển vọng kinh tế ngắn hạn hiện vẫn còn ở mức thận trọng do những điểm hạn chế của nền kinh tế vẫn tồn tại, trong bối cảnh lãi suất tiếp tục ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài và các rủi ro về biến đổi khí hậu gia tăng 5 . Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nói chung trong việc định hình chiến lược đầu tư ra thị trường quốc tế. Tuy vậy, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, hay nhu cầu tiêu dùng mới đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Việc nắm bắt và tận dụng những cơ hội này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, cũng như chiến lược linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của thị trường.

Vậy, “Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động” cần phải chuẩn bị hành trang thế nào trước những rủi ro trong việc xuất khẩu hàng hóa và đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, khi gặp rủi ro doanh nghiệp Việt Nam có giải pháp và cách ứng xử ra sao để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, bứt phá trên thị trường quốc tế.

Theo đó, với mong muốn mở ra một diễn đàn trao đổi thông tin bổ ích, tập trung thảo luận và giải quyết những mối lo ngại của nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài, thúc đẩy việc sử dụng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Khách hàng trải nghiệm nền tảng “Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến” (VIAC eCase).

Tại sự kiện, các phiên thảo luận tập trung xem xét, đánh giá về những biến động kinh tế hiện nay cũng như trao đổi về các biện pháp thích hợp để vượt qua những trở ngại đó. Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu, cộng đồng người thực hành nghề luật, cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong - ngoài nước quan tâm và đang triển khai các hoạt động đầu tư quốc tế.

Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là điểm sáng và là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, giúp Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách, chiến lược phát triển nhằm tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc. Lũy kế đến 20/04/2024, Việt Nam đã có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 22,22 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành bán buôn, bán lẻ chiếm 39,4%, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 21,5% và xây dựng chiếm 20%.

Việc tăng cường dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đã góp phần khẳng định Việt Nam là khu vực kinh tế năng động, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng, đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế nói riêng cũng như quan hệ chính trị, xã hội và ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư nói chung. Bên cạnh đó, Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Mặc dù có những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành xây dựng trong năm 2024 (Theo kết quả Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp tháng 01/2024 của Vietnam Report), mở ra tiềm năng cho một chu kỳ tăng trưởng mới trong mảng đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển bất động sản tư nhân, song kèm theo đó là sự gia tăng rủi ro pháp lý và nguy cơ phát sinh tranh chấp. Các yếu tố biến động kinh tế kéo theo sự biến động của giá nguyên vật liệu và nguồn vốn đều có thể ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí của các dự án xây dựng. Những thay đổi này không chỉ đặt ra những thách thức về tài chính và quản lý, mà còn là nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp phát sinh không mong muốn giữa các bên liên quan, bao gồm chủ đầu tư, nhà thầu, và các đối tác khác. Hơn nữa, khi thị trường xây dựng và bất động sản ngày càng hội nhập và phát triển, các vấn đề về tranh chấp và rủi ro pháp lý không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra quốc tế. Các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, hay việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đều đòi hỏi các bên tham gia phải trang bị kiến thức vững vàng trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới.

Các chuyên gia thảo luận và đánh giá về nền tảng “Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến” (VIAC eCase).

Mặt khác, sự bùng nổ của kinh tế số trong giai đoạn hiện nay đã dẫn đến sự dịch chuyển của các hoạt động kinh doanh sang nền tảng trực tuyến. Những chỉ báo đang cho thấy tín hiệu tích cực của sự chuyển dịch trên trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực kinh tế số. Kỷ nguyên số đang dẫn đến những chuyển đổi đáng kể trên mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó, hệ thống tòa án toàn cầu và các tổ chức cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) cũng tham gia vào làn sóng thay đổi này để đáp ứng các nhu cầu trong thời đại mới.

Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho xu hướng sắp tới của thị trường ADR tại Việt Nam còn gặp phải nhiều thách thức như các rào cản pháp lý và vấn đề thích ứng công nghệ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp, việc chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp cho nhu cầu của thị trường ADR là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như yêu cầu về chất lượng chuyên nghiệp của loại hình dịch vụ trọng tài tại Việt Nam.

THÀNH TRUNG - MINH TUẤN

Nguyễn Thành Trung