/
/ Trung thực trong nguyên tắc hành nghề của Luật sư

Trung thực trong nguyên tắc hành nghề của Luật sư

12/10/2022 16:02 |

(LSVN) - Trung thực là một trong các nguyên tắc tối cao của người Luật sư khi hành nghề. Ngay tại Quy tắc 2 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã đề ra nguyên tắc trung thực, tôn trọng sự thật khách quan đối với hoạt động hành nghề Luật sư.

 

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.

Cụ thể, Quy tắc 2 về độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan quy định rõ: Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Tính trung thực của Luật sư được thể hiện dưới một số góc độ, trong đó với bản thân Luật sư cần tôn trọng sự lựa chọn Luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ việc theo khả năng chuyên môn, điều kiện của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng (Quy tắc 6.2). Luật sư cần giải thích rõ cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với Luật sư, tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng, những khó khăn thuận lợi… (Quy tắc 6.3).

Trong mối quan hệ với khách hàng, người Luật sư không xúi giục, kích động khách hàng kiện tụng hoặc có hành vi khác trái pháp luật (Quy tắc 14.1); không tạo ra các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, bất lợi cho khách hàng để lôi kéo đe dọa, làm áp lực để tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc mưu cầu lợi ích bất chính khác từ khách hàng (Quy tắc 14.6); không sử dụng thông tin biết từ vụ việc mà Luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích cá nhân (Quy tắc 14.7); không được làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng, trình độ chuyên môn của mình, đưa ra những lời hứa hẹn để lừa dối khách hàng (Quy tắc 14.10); không có những lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình (Quy tắc 23.3).

Ảnh minh họa.

Với cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan nhà nước khác tính trung thực của Luật sư đòi hỏi Luật sư tôn trọng sự thật khách quan, không suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác…; không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử bằng những phương cách bất hợp lý trái đạo đức (Quy tắc 23.3); không vì quyền lợi của khách hàng mà cố tình cung cấp những thông tin, tài liệu, chứng cứ mà Luật sư biết rõ là sai sự thật, tham gia hay hướng dẫn khách hàng tạo thông tin, tài liệu, chứng cứ sai sự thật để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thực hiện những hành vi khác với mục đích lừa dối cơ quan tiến hành tố tụng (Quy tắc 24.2); không tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi bất hợp pháp nhằm trì hoãn hoặc gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc (Quy tắc 24.3).

Với đồng nghiệp, người Luật sư không sử dụng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh (Quy tắc 18); không xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc cho mình (Quy tắc 20.5.3)

Với các cơ quan thông tin đại chúng tính trung thực đòi hỏi người Luật sư có thái độ tôn trọng và hợp tác trong việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác, khách quan theo yêu cầu của các cơ quan này, nếu những thông tin đó không làm ảnh hưởng tới quy tắc bảo mật theo quy định của pháp luật và quyền lợi hợp pháp của khách hàng (Quy tắc 26.2).

Luật sư không được sử dụng cơ quan thông tin đại chúng để phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng (Quy tắc 26.3). Việc quảng cáo phải theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về các cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ đối với xã hội (Quy tắc 27).

Luật sư ĐẶNG HỒNG DƯƠNG

Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Bàn về người đại diện của cá nhâ

Loan B T Thanh