Ảnh minh hoạ.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Cụ thể, Thường trực Chính phủ đánh giá dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với vận tốc thiết kế 350 km/h là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Do đó, cần các bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm, nỗ lực, huy động cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, Thường trực Chính phủ và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Đối với những nội dung không tiếp thu phải giải trình đầy đủ, chặt chẽ để thuyết phục được Hội đồng thẩm định Nhà nước, các cấp có thẩm quyền thông qua.
Thường trực Chính phủ lưu ý về chủ trương phương án thiết kế kỹ thuật phải bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350 km/h đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua để tính toán, thiết kế phương án kĩ thuật phù hợp, khả thi, hiệu quả. Về lộ trình, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thẩm định Nhà nước, kịp thời tiếp thu, giải trình ý kiến. Sau đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ hoàn thành thẩm định trước ngày 18/10. Thường trực Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu chậm nhất ngày 20/10 phải có tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần phải rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn các thủ tục đầu tư dự án.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải phải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương nhằm huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực thực hiện dự án và xây dựng các ga dừng, đỗ; giao Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư.
PHƯƠNG THẢO