Tham dự buổi làm việc có ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Chủ tịch danh dự VALOMA; ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Thọ; đại diện các cơ sở đào tạo chuyên ngành logistics và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Thúy Lan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ cho biết, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ là 1 trong số 45 trường được tập trung đầu tư trở thành trường cao đẳng chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ luôn kiên định giữ vững chất lượng đồng thời tiến hành đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, tất cả các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng thực tiễn và hiệu quả, thiên về kỹ năng thực hành, ứng dụng, Nhà trường đang tiếp tục khẳng định vị trí là trường cao đẳng có chất lượng đào tạo tốt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ phát biểu tại buổi làm việc.
Nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực ngành logistics của khu vực, Nhà trường đã lên kế hoạch hướng tới đào tạo chuyên ngành logistics. Buổi làm việc với VALOMA sẽ là cơ hội để Nhà trường lắng nghe chia sẻ từ các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành logistics, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, giúp Nhà trường có bước chuẩn bị tốt hơn cho công tác đào tạo.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Thọ cho rằng, năm 2022 đánh dấu sự kiện quan trọng, lần đầu tiên sau nhiều năm, Phú Thọ lọt vào nhóm 10 địa phương có giá trị xuất nhập khẩu cao nhất cả nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Phú Thọ đạt 23,5 tỉ USD, xuất siêu trên 1 tỉ USD. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 2 cảng cạn, 1 trung tâm logistics cấp vùng, 3 trung tâm logistics cấp tỉnh. Từ nay tới 2030, tỉnh Phú Thọ dự kiến có 7 khu công nghiệp, 40 cụm công nghiệp, dư địa cho ngành logistics là rất lớn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có các doanh nghiệp như: Công ty Duyên Hải, Cát Vàng, Hải Linh đang khai thác cảng cạn, vận tải. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chủ yêu là vận tải, quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực. Điều này dẫn tới, giá thành chi phí logistics trên địa bàn vẫn còn cao, gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh, đặc biệt những doanh nghiệp dệt may, điện tử, chế biến chè, gỗ, vật liệu xây dựng,...
Tại buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Vân Hà, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng, Trưởng Ban Đối ngoại VALOMA, đã có bài giới thiệu về hoạt động của Hiệp hội. Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, VALOMA hướng tới việc tạo ra mái nhà chung cho các cơ sở đào tạo (nhà trường) và đơn vị sử dụng (doanh nghiệp) nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp cho việc phát triển ngành logistics.
Tại buổi làm việc, đại diện của các trường đại học, trường cao đẳng và doanh nghiệp hội viên VALOMA đã chia sẻ về hiện trạng hoạt động đào tạo nhân lực logistics cho ngành logistics tại các trường và nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Các đại biểu cho rằng, sự bắt tay và liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Theo bà Lê Thị Mỹ Ngọc, Trưởng khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường đại học Đại Nam, việc Phú Thọ đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới. Chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ cần bám sát quy hoạch của tỉnh, ngành, đặc thù của vùng để đưa ra mô hình đào tạo thích hợp.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Glosmate cho biết, Công ty đã tham gia hỗ trợ một số trường trong quá trình mở ngành đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Với thế mạnh của mình, Công ty cũng sẵn sàng tham gia hỗ trợ Trường cao đẳng Cơ điện Phú Thọ để đưa chương trình đào tạo gắn với những vấn đề thiết thực hiện nay như ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong logistics.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Chủ tịch danh dự VALOMA phát biểu tại buổi làm việc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự VALOMA nhấn mạnh, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ đã có sự quan tâm và chủ động trong việc mở ngành đào tạo logistics. Việc tham gia Hiệp hội sẽ giúp Nhà trường tiếp cận các thông tin cần thiết, tận dụng sự hỗ trợ từ các hội viên trong việc xây dựng chương trình, giáo trình. Buổi làm việc với VALOMA sẽ giúp Nhà trường bắt tay vào công việc đào tạo nhanh hơn, góp phần thúc đẩy ngành logistics của tỉnh Phú Thọ và khu vực phát triển hơn nữa.
PV