/ Pháp luật - Đời sống
/ Trường hợp nào chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại

Trường hợp nào chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại

10/10/2022 09:50 |

(LSVN) - Trong một số trường hợp, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. Vậy, những trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại là gì?

Ảnh minh họa.

Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự là gì?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, khởi tố là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự thể hiện qua quyết định khởi tố. Việc khởi tố vụ án hình sự chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu của tội phạm. Theo đó, căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm gồm:

- Tố giác của cá nhân.

- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước.

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm.

- Người phạm tội tự thú.

Những trường hợp nào chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại?

Trong một số trường hợp, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại. Cụ thể, theo Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2021 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Theo đó, chỉ được khởi tố vụ án hình sự tại khoản 1 các tội sau đây khi có yêu cầu của bị hại:

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính;

- Tội hiếp dâm;

- Tội cưỡng dâm;

- Tội làm nhục người khác;

- Tội vu khống.

Với các tội danh khác, chỉ cần có dấu hiệu tội phạm thì các cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) hoàn toàn có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ngoài ra, trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do: Bị ép buộc, cưỡng bức…

HOÀNG TRẦN

Ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm có rút được tiền?

Nguyễn Lâm