/ Pháp luật - Đời sống
/ Trường hợp nào thuộc diện không thụ lý giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán Nhà nước?

Trường hợp nào thuộc diện không thụ lý giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán Nhà nước?

11/07/2023 18:59 |

(LSVN) - Các trường hợp không thụ lý giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán Nhà nước được quy định rõ tại Điều 8, Quyết định 10/2023/QĐ-KTNN ngày 05/7/2023 về quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động kiểm toán Nhà nước.

Ảnh minh họa.

Ngày 05/7/2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 10/2023/QĐ-KTNN về quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động kiểm toán Nhà nước. Trong đó, có quy định về các trường hợp không thụ lý giải quyết khiếu nại hợp.

Theo đó, tại Điều 8, Quyết định 10/2023/QĐ-KTNN về các trường hợp không thụ lý giải quyết khiếu nại quy định rõ, khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không thụ lý giải quyết:

- Kết quả kiểm toán, hành vi kiểm toán và quyết định xử phạt không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

- Người khiếu nại không cung cấp thông tin, chứng cứ (nếu có) chứng minh cho khiếu nại của mình là có căn cứ và hợp pháp;

- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

- Khiếu nại không bằng hình thức đơn khiếu nại theo quy định tại Điều 5, Quyết định 10/2023/QĐ-KTNN này. Đơn khiếu nại không có chữ ký, con dấu (nếu có) của người khiếu nại;

Điều 5, Quyết định 10/2023/QĐ-KTNN quy định về hình thức khiếu nại như sau:

1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại gửi Tổng Kiểm toán nhà nước, kèm theo thông tin, chứng cứ bổ sung (nếu có) chứng minh cho khiếu nại là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật.

2. Đơn khiếu nại phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;

b) Tên, địa chỉ của người khiếu nại;

c) Tên, ngày, tháng, năm của văn bản bị khiếu nại; tên, số hiệu thẻ Kiểm toán viên của thành viên Đoàn kiểm toán (nếu có), tên Đoàn kiểm toán bị khiếu nại;

d) Nội dung khiếu nại;

đ) Lý do khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại;

e) Chữ ký, con dấu (nếu có) của người khiếu nại;

g) Các giấy tờ, tài liệu khác kèm theo (nếu có).

- Khiếu nại về kết quả kiểm toán, quyết định xử phạt không phải do Kiểm toán Nhà nước phát hành hoặc khiếu nại về hành vi không thuộc nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

- Thời hiệu khiếu nại kiểm toán đã hết theo quy định mà không có lý do chính đáng;

- Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại hoặc người khiếu nại rút đơn khiếu nại.

Ngoài ra, tại Điều 7, Quyết định 10/2023/QĐ-KTNN cũng quy định rõ về việc rút khiếu nại trong hoạt động kiểm toán như sau:

- Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký, con dấu (nếu có) của người đại diện hợp pháp; đơn xin rút khiếu nại phải được gửi đến Tổng Kiểm toán Nhà nước.

- Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn xin rút khiếu nại, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tham mưu, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước và thừa lệnh Tổng Kiểm toán Nhà nước ký văn bản thông báo về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại gửi cho người khiếu nại.

TRẦN QUÝ

Khiếu nại trong hoạt động kiểm toán Nhà nước thế nào?

Nguyễn Hoàng Lâm