/ Phòng xử đa chiều
/ Trương Văn L phạm tội gì?

Trương Văn L phạm tội gì?

05/01/2021 17:48 |

LSVNO - Trương Văn L ở ấp Tân Phú xã Tân Phú Thạch, Châu Thành, Cần Thơ và anh Dương Văn T là bạn lâu ngày gặp lại. Hai người rủ nhau vào quán uống bia. Sau khi uống hết 8 chai bia, anh T bảo L uốn...

LSVNO - Trương Văn L ở ấp Tân Phú xã Tân Phú Thạch, Châu Thành, Cần Thơ và anh Dương Văn T là bạn lâu ngày gặp lại. Hai người rủ nhau vào quán uống bia. Sau khi uống hết 8 chai bia, anh T bảo L uống thêm, nhưng L từ chối và về nhà anh ruột nằm nghỉ.

Anh T xuống ghe của L tháo lấy kim xăng của máy cole 4 với mục đích giữ L lại để nhậu tiếp. Thấy vậy cháu Kim Th (cháu gọi L bằng chú) chạy về báo cho L biết, L cầm khúc cây chạy xuống ghe dọa đánh anh Dương Văn T và đòi anh T trả lại kim xăng để L về. Anh T không những không trả mà còn bỏ kim xăng vào túi quần. Hai người đôi co một lúc, L dùng tay đánh vào mặt anh T một cái làm anh T ngã xuống sông. Thấy anh T ngã xuống sông, L bò lên bờ đi lấy dép cách đó 100m. Khi quay lại không thấy anh T, L có bảo anh Th đang đứng gần đó vớt anh T, nhưng anh Th không dám vớt. L chèo ghe về nhà, còn anh Dương Văn T thì bị chết dưới sông. Theo kết luận giám định pháp y thì anh Dương Văn T chết do ngạt nước. Biết anh Dương Văn T bị chết, L sợ hãi bỏ trốn, hơn hai tháng sau thì ra đầu thú.

Ảnh minh họa

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ lúc đầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trương Văn L về tội giết người nhưng sau khi điều tra, đã thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Trương Văn L sang tội vô ý làm chết người và chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, đề nghị truy tố Trương Văn L về tội vô ý làm chết người.

Khi nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ cũng có nhiều quan điểm về tội danh đối với Trương Văn L và quyết định trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để điều tra làm rõ động cơ, mục đích của bị can Trương Văn L.

Kết quả điều tra lại cũng chỉ thể hiện, Trương Văn L đánh anh Dương Văn T và giằng co với anh T trên ghe là để lấy lại kim xăng vì T không muốn cho L về nhà. Hành vi này cũng tương tự như rút chìa khóa xe giấu đi không cho bạn nhậu về. Việc anh T bị ngã xuống sông dẫn đến cái chết, anh L không mong muốn.

Đây là vụ án có nhiều ý kiến khác nhau không chỉ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như giữa những người tiến hành tố tụng, mà còn có các luật sư, các chuyên gia pháp lý, các giảng viên trong các trường đại học luật… về việc xác định tội danh đối với hành vi của Trương Văn L.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, Trương Văn L phạm tội vô ý làm chết người với lập luận: Giữa L và anh T không có thù oán gì. Hai người là bạn của nhau, vì lâu ngày không gặp nhau, nên đã rủ nhau đi nhậu, điều này cũng chứng minh rằng hai người rất thân với nhau. Trong trạng thái của một người vừa cùng với anh T uống 8 chai bia, mặc dù chưa say, nhưng cũng không còn hoàn toàn tỉnh táo, L đã đánh anh T một cái vào mặt làm anh T ngã xuống sông. Khi hành động như vậy, L không nhận thức được là nguy hiểm đến tính mạng của anh T, lại càng không mong muốn anh T chết. Vì vậy, hành vi của L là hành vi phạm tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ý kiến thứ hai cho rằng, Trương Văn L phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999, vì Trương Văn L đánh Dương Văn T trong lúc L đang bực tức vì T lấy kim xăng máy cole của mình. Hành vi của L phải coi là cố ý. Cũng do hành vi cố ý của L đã làm anh T ngã xuống sông và bị chết chìm. Mặc dù cái chết của  anh T là ngoài ý muốn của L, nhưng hành vi đánh anh T của L không thể coi là vô ý được, ít nhất thì L cũng phải nhận thức được hành vi của mình gây ra thương tích cho T. Điều quan trọng ở đây là do hành vi đánh của L, đã làm cho anh T ngã xuống sông và bị chết. Không có cú đánh của L, anh T không thể ngã và sẽ không thể có cái chết đối với anh T. Phải coi cú đánh của L là nguyên nhân gián tiếp đối với cái chết của anh T, không thể cho rằng do L đã uống với T đến 8 chai bia nên trạng thái tinh thần không còn tỉnh táo để nhận định L không thấy trước được hậu quả. Cách đặt vấn đề như vậy là không đúng với quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự “Người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, mọi hành vi của một người tự mình đưa mình vào tình trạng say đều không được miễn trách nhiệm hình sự, thậm chí còn bị coi là tình tiết tăng nặng nữa. Ví dụ: Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì bị áp dụng khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, có khung hình phạt nặng hơn khoản 1 Điều 202 quy định về tội phạm này.

Ý kiến thứ ba cho rằng: Trương Văn L phạm tội giết người với hình thức lỗi cố ý gián tiếp theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự, bởi lẽ, nếu loại trừ tình trạng say bia của L và trên thực tế thì hành vi của L được thực hiện trong tình trạng còn tỉnh táo chứ không phải là đã say tới mức không nhận thức được hành vi của mình. Do đó, phải coi hành vi của L là hành vi của một người bình thường có khả năng nhận thức đầy đủ hành vi của mình và hậu quả của nó. Trương Văn L đánh anh T một cái vào mặt làm anh T ngã xuống sông. Khi hành động như vậy, L biết được tính chất nguy hiểm của hành vi do mình gây ra, thấy trước hậu quả có thể xảy ra tuy không mong muốn, nhưng đã bỏ mặc. Điều này được thể hiện ở chỗ, khi L đánh anh T làm anh T ngã xuống sông, L biết được hành động như vậy sẽ gây ra nguy hiểm đến tính mạng cho anh T vì anh T không biết bơi. Sau đó, L bỏ lên bờ đi cách đó 100m để lấy dép, mặc cho tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đối với anh T đang xảy ra. Khi quay lại không thấy anh T, L chỉ nói với anh Th vớt anh T lên, nhưng anh Th không dám vớt. Nếu L không mong muốn anh T chết thì L phải vớt anh T lên, nhưng L đã không làm như vậy mà chèo ghe bỏ về nhà, vì vậy rõ ràng là L đã bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Khác hẳn với ba ý kiến trên, ý kiến thứ tư cho rằng Trương Văn L chỉ phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật Hình sự ở trường hợp “Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm…”, với lập luận: Trương Văn L tát nạn nhân một cái, vì cả hai người đứng dưới thuyền nên nạn nhân ngã xuống sông, do không được cứu vớt nên bị chết ngạt, hoàn toàn do hành vi vô ý của Trương Văn L và L biết nạn nhân không biết bơi và đang ở trong trạng thái say rượu, nhưng L đã cố ý không cứu giúp và bỏ mặc anh T chết. Chúng tôi đồng ý với ý kiến này và xin phân tích thêm một số vấn đề có ý nghĩa về lý luận cũng như thực tiễn xét xử.

Trước hết, xét về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Trương Văn L với cái chết của anh T ta thấy: anh T chết là do ngạt nước chứ không phải do L đánh chấn thương hoặc gây tổn hại đến một bộ phận cơ thể nào dẫn đến cái chết của anh T. Vì vậy, dù là cố ý giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hay vô ý làm chết người thì đều có một đặc điểm chung nhất là cái chết của nạn nhân phải là hậu quả tất yếu do hành vi của người phạm tội gây ra. Ba tội này chỉ khác nhau cơ bản ở ý thức chủ quan của người phạm tội đối với hành vi của mình và đối với hậu quả do mình gây ra. Khi xác định một hành vi có thuộc các tội quy định ở Điều 93, 94, 95, 96, 97, 98 hay Điều 104 Bộ luật Hình sự hay không, việc đầu tiên chúng ta phải xác định là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, nếu không có mối quan hệ nhân quả, cho phép chúng ta loại trừ các tội quy định ở các điều luật trên. Thực tiễn xét xử, không ít những trường hợp, trước cái chết của một người lại bị “áp lực” của dư luận nên một số cán bộ điều tra, truy tố và xét xử “cố gán” cho người có hành vi chỉ là “điều kiện” thành “nguyên nhân” gây ra cái chết cho nạn nhân rồi từ đó kết tội. Có trường hợp lại chỉ thấy hậu quả mà không quan tâm đến hậu quả đó là do cái gì là nguyên nhân, cái gì chỉ là điều kiện.

Trở lại vụ án trên, cứ cho rằng Trương Văn L cố ý tát anh T một cái, nhưng L không thể lường trước được cái tát của mình làm cho anh T ngã xuống sông. Anh T ngã xuống sông là ngoài ý muốn của L. Việc anh T bị ngã xuống sông là rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Dừng lại ở đây, chúng ta có thể xác định, tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của anh T là do L gây ra, nhưng không phải cố ý mà chỉ là lỗi vô ý. Hành vi tát là cố ý còn hậu quả “tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” là vô ý; bởi vì L không lường trước được, không thấy trước và không mong muốn hậu quả đó.

Khi anh T đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như vậy, nếu ai có điều kiện cứu giúp mà không cứu giúp đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý không cứu giúp người khác đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 102 Bộ luật Hình sự. Ở đây, khi anh T đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, chỉ có hai người thấy, đó là anh Th và L, nhưng anh Th không có khả năng cứu giúp nên không dám cứu, còn L thì lại có khả năng đó (có thuyền), nhưng đã không cứu giúp, mà lại chèo thuyền về, nên L đã phạm tội theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Bộ luật hình sự năm 1999 (tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng - điểm a khoản 2 “Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm”).

Vũ Hoài An