Lực lượng chức năng phát hiện nhiều m3 gỗ chũa bị “lâm tặc” chặt phá nằm la liệt trên đường đi.
Trước địa hình hiểm trở, khó khăn về mặt địa lý, thời gian vừa qua các đối tượng đã lợi dụng để khai thác vàng trái phép trong lõi rừng phòng hộ, tại tiểu khu 393, nằm trên địa bàn xã Thượng Quảng. Tại đây, lực lượng chức năng huyện Nam Đông đã có chuyến thực địa để kiểm tra tình trạng khai thác vàng trái phép, quá trình đi thực địa, lực lượng chức năng phát hiện nhiều m3 gỗ bị “lâm tặc” chặt phá nằm la liệt trên đường đi, nhiều cây gỗ đã bị “xẻ thịt”, để lộ nhiều gốc cây trong lõi rừng phòng hộ.
Liên quan đến số gỗ bị khai thác trái phép tại tiểu khu 393, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Đông cho biết, sau khi nhận được thông tin có tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại một số vị trí rừng cộng đồng (thuộc xã Thượng Quảng) và rừng do Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Đông quản lý, ngay sau đó về phía đơn vị đã nhanh chóng cơ động đến hiện trường để tổ chức truy quét, đo đạc, thống kê. Tại hiện trường có hơn 2m3 gỗ chũa, (thuộc nhóm V) bị các đối tượng chặt phá. Sau khi thống kê, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Đông đã có báo cáo cụ thể lên cấp trên để xin phương án xử lý, số gỗ được tịch thu và bàn giao lại cho Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông để xử lý.
Rừng tự nhiên bị “lâm tặc” xẻ thịt.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Đông vẫn còn tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tuy nhiên số lượng nhỏ và có tính chất rải rác. Nắm bắt được tình hình đó, về phía Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Đông đã thường xuyên tổ chức tuần tra, bất kể ngày đêm, kể cả ngày lễ, các tổ được lập ra, mỗi tổ 5 người để kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Tuy nhiên, công tác kiểm soát rừng còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, kèm theo đó địa hình hiểm trở, các đối tượng hết sức tinh vi, lẩn tránh sự truy quét của lực lượng chức năng.
Được biết, nhận thấy sự hiệu quả trong việc bàn giao rừng tự nhiên cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý từ năm 2020. Tháng 01 năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch giao rừng tự nhiên năm 2021 trên địa bàn huyện Nam Đông.
Từ năm 2020, UBND huyện Nam Đông đã bàn giao 6.521,1 ha rừng tự nhiên cho 30 cộng đồng dân cư thôn, 30 nhóm hộ và 81 hộ gia đình cá nhân quản lý, bảo vệ và hưởng lợi. Kết quả đã bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên được giao hiện có, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó góp phần tăng độ che phủ của rừng, đảm bảo môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng.
Đường mòn các đối tượng dùng để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Bên cạnh đó, việc giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý là phù hợp Luật đất đai năm 2013; Luật Lâm nghiệp năm 2017, phù hợp nội dung quy định tại Điều 35, Điều 36 của Nghị định số 156/2018/NĐ – CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Theo hồ sơ kế hoạch, với diện tích rừng là 693,78 ha (rừng tự nhiên sản xuất và rừng tự nhiên phòng hộ) sẽ bàn giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thuộc 3 xã Thượng Quảng, Thượng Nhật và xã Thượng Lộ.
Hiện trường khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Nam Đông.
Tuy nhiên, đến ngày 14/6/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế mới có công văn trả lời tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo đó, liên quan đến việc giao rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát tổng thể việc quản lý rừng tự nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh, đề xuất các phương án để quản lý bảo vệ rừng tự nhiên bền vững, tránh trường hợp chặt phá rừng tự nhiên, buông lỏng rừng tự nhiên.
HOÀNG NGHĨA