/ Dọc đường tố tụng
/ Truy tố cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Tài

Truy tố cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Tài

05/01/2021 18:08 |

(LSO) - VKSNDTC vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bổ sung vụ án ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM) giao đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 gây thất thoát 1.927 tỉ đồng.

Bị can Nguyễn Thành Tài và Lê Thị Thanh Thúy.

Cáo trạng cũng truy tố các bị can: Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy quận 2), Trương Văn Út (nguyên Phó Phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) và Lê Thị Thanh Thúy (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty Lavenue) về cùng tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Theo cáo trạng, khu nhà, đất số 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM có tổng diện tích gần 5.000m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 20/11/2007, UBND TP. HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại tại khu đất này.

Tuy nhiên, vào năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài, lúc đó là Phó chủ tịch UBND TP. HCM, đã ký quyết định giao lô đất vàng 8-12 Lê Duẩn cho Công ty cổ phần đầu tư Lavenue (Công ty Lavenue) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê.

Bị cáo Tài được xác định trong thời gian giữ chức vụ phó chủ tịch UBND TP. HCM được phân công phụ trách lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng… biết rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên do có "mối quan hệ tình cảm" với bà Thúy, bị tác động bởi mối quan hệ này nên ông Tài có nhiều sai phạm, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Cụ thể, ông Tài đã ký nhiều văn bản và chỉ đạo các bị can Nguyễn Thị Thu Thủy, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam và Trương Văn Út thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Hành vi của các bị can gây hậu quả biến khu đất "vàng" số 8-12 đường Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước với số tiền gần 2.000 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định bị can Nguyễn Thành Tài giữ vai trò là người tổ chức, thực hiện tích cực; các bị can Kiệt, Nam, Út là đồng phạm với vai trò người thực hành và bị can Thúy là đồng phạm với vai trò giúp sức.

Bị can Tài đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo, chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia góp 30% vốn góp tại dự án, không thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm, bản chất là chuyển dịch tài sản đang thuộc quyền quản lý khu đất từ Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.

Bị can cũng chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm của bà Thúy tham gia dự án mà không giao cho các cơ quan chức năng thẩm định về mặt chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực tài chính của doanh nghiệp, trái với chủ trương của UBND TP. HCM.

Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

LSO (t/h)

/hiep-dinh-evfta-chinh-thuc-co-hieu-luc-tu-ngay-hom-nay-01-8.html