/ Tích hợp văn bản mới
/ Từ 01/12/2020 cơ quan báo chí có thể bị đình chỉ hoạt động đến 12 tháng

Từ 01/12/2020 cơ quan báo chí có thể bị đình chỉ hoạt động đến 12 tháng

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Từ ngày 01/12/2020, Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực. Theo đó, có nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh.

Ảnh minh họa.

Tại Điều 3 Nghị định quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

- Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng, bao gồm: Giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm, phụ trương, giấy phép xuất bản chuyên trang, giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh giấy phép sản xuất kênh chương trình, giấy phép nhập khẩu báo in, tạp chí in, giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép xuất bản bản tin, giấy phép xuất bản đặc san, giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam, giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng.

Ngoài các hình thức xử phạt quy định trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

- Buộc cải chính, xin lỗi;

- Buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật;

- Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; buộc gỡ bỏ chương trình phát thanh, chương trình truyền hình; buộc gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, ứng dụng phát thanh truyền hình trên mạng; buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ nội dung giới thiệu, quảng bá, đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

- Buộc thực hiện đăng, phát lại nội dung cải chính, xin lỗi;

- Buộc đăng, phát đầy đủ nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Buộc xin lỗi công khai;

- Buộc thực hiện lưu chiểu báo chí theo quy định của pháp luật;

- Buộc nộp lưu chiểu sản phẩm báo chí đúng địa điểm, số lượng;

- Buộc nộp lưu chiểu hoặc nộp xuất bản phẩm cho Thư viện quốc gia Việt Nam theo quy định;

- Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép của nhà báo, phóng viên;

- Buộc tái xuất xuất bản phẩm nhập khẩu là tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế tại Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức hoặc là tài sản của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng; buộc tái xuất đối với báo in, tạp chí in mà không đăng ký danh mục báo chí nhập khẩu với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi nhập khẩu;

- Buộc tiêu thụ sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật;

- Buộc gỡ bỏ tin, bài trên báo điện tử, tạp chí điện tử, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; buộc gỡ bỏ tin, bài đăng tải không đúng nội dung thông tin ghi trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp;

- Buộc thu hồi tên miền, địa chỉ Internet (IP).

Nghị định cũng quy định cụ thể về trường hợp cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng nếu không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; không thông báo cho các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi hoặc cải chính,…

Trường hợp không cải chính, xin lỗi theo quy định; không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trên báo chí thì cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.

Nghị định này được ban hành ngày 07/10/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020. Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

THANH THANH

/phat-nang-hanh-vi-can-tro-de-doa-tinh-mang-nha-bao-phong-vien-trong-qua-trinh-tac-nghiep.html
/goi-nghi-can-nghi-pham-la-toi-pham-tren-bao-chi-bi-phat-den-50-trieu-dong-tu-01-12-2020.html