(LSO) - Xử phạt nặng với các hành vi đăng tin giả câu 'like', nhắn tin quảng cáo khi chưa được sự đồng ý của người nhận; doanh nghiệp chậm trả lương cho nhân viên có thể bị phạt đến 100 triệu đồng… là những chính sách nổi bật có hiệu lực kể từ 1/4.
1. Có thể bị phạt đến 20 triệu đồng vì câu "like"
Đây là một trong số các quy định nổi bật tại nghị định số 15 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực từ ngày15-4.
Theo đó, đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi đăng, chia sẻ thông tin sai sự thật, vu khống xúc phạm người khác; chia sẻ thông tin mê tín dị đoan, dâm ô đồi trụy; miêu tả hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị; chia sẻ link dẫn đến thông tin có nội dung bị cấm... sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng
Hành vi tiết lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. Việc gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi chưa được sự đồng ý của người nhận sẽ bị phạt 5 đến 10 triệu đồng.
Ngoài mức phạt tiền, người đăng thông tin còn bị buộc phải gỡ các thông tin sai trái đã đăng.
2. Xe công nghệ phải dán biển "xe hợp đồng"
Kể từ ngày 1-4, toàn bộ ôtô hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (xe công nghệ) phải dán dòng chữ "xe hợp đồng" trên kính trước và sau xe. Đối với ôtô công nghệ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1-4, nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải xin cấp lại phù hiệu và dán thêm phù hiệu này trên ôtô.
Đây là nội dung mới tại nghị định số 10 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Các quy định này giúp khách hàng tăng dấu hiệu nhận biết đối với các loại hình xe.
Một nội dung khác đáng chú ý tại nghị định 10 là vận tải hàng hóa bị hỏng phải bồi thường. Việc bồi thường hàng hóa bị hư hỏng, mất mát, thiếu hụt được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc theo thỏa thuận giữa người kinh doanh và người thuê.
Nếu trong hợp đồng vận tải không ghi nhận hoặc các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì sẽ theo phán quyết của tòa án hoặc trọng tài. Mức bồi thường hiện nay là 70.000 đồng/kg hàng hóa.
3. Trả lương không đúng hạn, bị phạt 100 triệu đồng
Nghị định số 28 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định rất nhiều chế tài đối với người sử dụng lao động không đúng luật.
Hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền. Đáng chú ý, mức phạt sẽ càng tăng nếu chủ doanh nghiệp vi phạm với nhiều lao động. Vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng; vi phạm từ người lao động thứ 301 trở lên thì mức xử phạt sẽ từ 20 đến 25 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi trả lương không đúng hạn cho người lao động sẽ bị phạt tiền. Mức vi phạm với nhiều lao động càng cao thì số tiền phạt càng lớn. Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân.
Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Nếu tổ chức, doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động thì sẽ bị phạt tối đa là 100 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-4.
4. Trẻ đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng
Thông tư 28 (có hiệu lực từ 1-4) của Ngân hàng Nhà nước ban hành về hoạt động thẻ ngân hàng quy định: ngoài những đối tượng đang được sử dụng thẻ ngân hàng hiện nay, một số đối tượng mới được bổ sung như: người đủ 15-18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (thẻ phụ).
Đối với chủ thẻ chính là tổ chức, nếu đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán thì được sử dụng thẻ ghi nợ. Tổ chức được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của tổ chức đó hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ. Đối với tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam sẽ được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước.
5. Không được nhận xét vào tờ khai lý lịch
Nội dung mới này được quy định tại thông tư số 01 do Bộ Tư pháp vừa ban hành, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20-4. Theo đó, điều 15 trong thông tư này quy định người thực hiện chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân không được ghi bất cứ nhận xét nào vào tờ khai lý lịch cá nhân, mà chỉ được ghi lời chứng chứng thực theo mẫu ban hành kèm theo nghị định 23 năm 2015 của Chính phủ.
Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
Đây được coi là quy định mới bởi từ trước đến nay nhiều người khi làm tờ khai lý lý lịch cá nhân đã phải nhận những nhận xét không tốt từ địa phương, khiến họ gặp khó khăn khi sử dụng trong công việc sau này.
Cấm phạm nhân nam cắt tóc trọc đầu, để râu, ria mép... Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân ban hành kèm theo thông tư số 17 năm 2020 của bộ trưởng Bộ Công an, có hiệu lực kể từ 3-4, quy định hàng loạt hành vi bị cấm đối với các phạm nhân. Các phạm nhân nam bị cấm cạo trọc đầu (trừ trường hợp bị bệnh có ý kiến của cán bộ y tế), để râu, ria mép. Hành vi quan hệ đồng tính, dâm ô giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác, xăm trổ trên thân thể mình hoặc người khác cũng bị cấm hoàn toàn. Thông tư cũng cấm phạm nhân tự sát, tự gây thương tích, hủy hoại thân thể hoặc giúp người khác tự sát; cấm đánh đập, đe dọa, ức hiếp, khống chế, hành hạ, làm nhục người khác; cấm mua bán, trao đổi, vay mượn dưới mọi hình thức giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác... |
Tâm lụa(TT)