Từ 15/3, thuê lao động dưới 15 tuổi phải có phiếu lý lịch tư pháp

15/03/2021 02:27 | 3 năm trước

(LSVN) - Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021. Theo đó, thuê lao động dưới 15 tuổi phải xin lý lịch tư pháp.

Cụ thể, tại Điều 4 Thông tư quy định về giao kết hợp đồng lao động để sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc. Theo đó, người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động và đáp ứng các điều kiện sau:

- Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;

- Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH.

Ngoài ra, Hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi phải có các nội dung theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Lao động và các nội dung sau:

- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi;

- Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình;

- Việc bảo đảm điều kiện học tập.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2021.

Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các Thông tư sau hết hiệu lực thi hành:

- Thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên;

- Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc.

HỒNG HẠNH

Vai trò bào chữa của Luật sư trong tố tụng hình sự