Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh 35 tuần trong 01 năm
Nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen với tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Bộ GD&ĐT đã ra Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Chương trình này sẽ giúp các trẻ mẫu giáo được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh. Hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp tốt bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học; tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau.
Theo đó, Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT quy định, việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh sẽ được tổ chức 35 tuần trong 01 năm, tối thiểu phải có 02 hoạt động làm quen với tiếng Anh trong 01 tuần và mỗi hoạt động sẽ mất khoảng từ 25 đến 35 phút.
Ngoài ra, tùy từng điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được tổ chức linh hoạt vào thời điểm khác nhau phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện của nhà trường nhằm đạt được mục tiêu của việc làm quen với tiếng Anh, cũng như mục tiêu chương trình giáo dục mầm non.
Đồng thời, phối hợp các hình thức tổ chức hoạt động trong lớp, ngoài lớp; hoạt động có chủ định của giáo viên và theo ý thích của trẻ; hoạt động cá nhân, theo nhóm, cả lớp một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu và hứng thú của trẻ.
Thực hiện đánh giá sức khỏe trẻ em tối thiểu 01 lần trong một năm học
Tại Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Điều lệ Trường mầm non, Điều 20 Thông tư này quy định về “Đánh giá kết quả nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, giáo dục” đã nêu rõ, việc kiểm tra sức khỏe trẻ em phải thực hiện tối thiểu 01 lần trong một năm học.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền phải luôn đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên các biểu đồ tăng trưởng theo quy định, cụ thể, mỗi tháng 01 lần đối với trẻ em dưới 24 tháng và 03 tháng 01 lần đối với trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên. Đồng thời, đánh giá sự phát triển của trẻ em theo đúng quy định.
Về tuổi và sức khỏe của trẻ em mầm non, thì vẫn như quy định trước đây, trẻ em từ 03 tháng tuổi - 06 tuổi được nhận vào trường mầm non. Tuy nhiên, trẻ em khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 03 tuổi.
Cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số
Bên cạnh việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh 35 tuần trong 01 năm. Một số nội dung của “Chương trình Giáo dục mầm non” cũng được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT nhằm giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một.
Hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
Theo đó, “Chương trình Giáo dục mầm non” được thiết kế cho 35 tuần, mỗi tuần làm việc 05 ngày, áp dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non. Kế hoạch chăm sóc, giáo dục hằng ngày thực hiện theo chế độ sinh hoạt cho từng độ tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện của cơ sở giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng bổ sung một số nội dung giáo dục cho trẻ em mầm non như: Cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số và những nội dung khác phù hợp với mục tiêu của “Chương trình Giáo dục mầm non”, đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục mầm non, khả năng và nhu cầu của trẻ theo quy định của pháp luật để phát triển chương trình giáo dục nhà trường nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Các tiêu chuẩn và quy trình biên soạn chương trình giáo dục mầm non
Về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa “Chương trình giáo dục mầm non”; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non được nêu rõ tại Thông tư 49/2020/TT-BGDĐT.
Cụ thể, về tiêu chuẩn chương trình giáo dục mầm non thì quan điểm biên soạn chương trình giáo dục mầm non phải thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, mục tiêu chương trình giáo dục mầm non phải đảm bảo phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, ngôn ngữ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
Nội dung chương trình giáo dục mầm non vừa phải đảm bảo tính cốt lõi, áp dụng đối với mọi trẻ em, đồng thời tạo cơ hội để trẻ em được tiếp cận với những nội dung giáo dục đáp ứng sự đa dạng của nhu cầu giáo dục, phù hợp với điều kiện và sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục; đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị xã hội; bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em.
Với phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục ở nhà trẻ, phải tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tích cực hoạt động, vui chơi, giao lưu cảm xúc với người lớn; kích thích sự phát triển các giác quan, cảm xúc và các chức năng tâm sinh lý; ở mẫu giáo phải tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em.
Yêu cầu cần đạt của trẻ em cuối mỗi độ tuổi phải cụ thể hóa được mục tiêu chương trình, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ em.
Ngoài ra, thời lượng của chương trình giáo dục mầm non cũng phải được thiết kế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
Chương trình giáo dục mầm non phải có định hướng về các hoạt động giáo dục, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ em. Đồng thời, phải có yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình của cơ sở giáo dục mầm non, gồm: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đồ chơi học liệu, đồ dùng, tài liệu; phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non với gia đình và cộng đồng.
Có quy định về phát triển chương trình giáo dục nhà trường gắn với văn hóa, điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục mầm non và địa phương. Các thuật ngữ chính (nếu có) thì cần phải được giải thích; thể thức, kỹ thuật trình bày bảo đảm quy định hiện hành.
Còn về quy trình biên soạn “Chương trình giáo dục mầm non” thì bao gồm 05 bước. Bước thứ nhất là đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành, sau đó định hướng biên soạn chương trình giáo dục mầm non và biên soạn lại dự thảo chương trình giáo dục mầm non. Tiếp tục thử nghiệm và điều chỉnh chương trình giáo dục mầm non và cuối cùng là thẩm định và ban hành chương trình giáo dục mầm non.
TRẦN MINH