/ Thư viện pháp luật
/ Tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ từ 01/7/2025

Tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ từ 01/7/2025

14/10/2024 06:13 |

(LSVN) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 có hiệu lực từ 01/7/2025 bổ sung quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu giữa nam và nữ.

Căn cứ khoản 1 Điều 66 và khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ như sau:

Như vậy, từ 01/7/2025, người lao động đóng BHXH 15 năm được hưởng mức tiền lương hưu như sau:

- Lao động nữ: Mức tiền lương hưu hằng tháng bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mỗi năm sau đó hưởng thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa 75%.

- Lao động nam: Mức tiền lương hưu hằng tháng bằng 40% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mỗi năm sau đó hưởng thêm 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu là 45%, cứ mỗi năm tham gia thêm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%.

Với cách điều chỉnh mới này, chênh lệch tỉ lệ đóng giữa nam và nữ rút xuống còn 5%, tức cùng thời gian đóng 15 năm BHXH, lao động nam hưởng 40% trong khi nữ là 45%.

Tỉ lệ tích lũy lương hưu của nam giới từ năm 15 đến dưới 20 năm đóng là 1%, trong khi nữ là 2%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu của hai giới mới đồng đều 2%.

Ngoài ra, mức tiền lương hưu hàng tháng của đối tượng là người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang nhân dân do Chính phủ quy định. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước.

Ảnh minh họa.

Cũng căn cứ khoản 1 Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vẫn giữ nguyên quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số tháng đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:

- Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 05 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 06 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 08 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Như vậy, đối với khu vực Nhà nước, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tính trong khoảng thời gian 05 đến 20 tháng cuối trước khi nghỉ hưu, tuỳ từng thời điểm tham gia.

Tuy nhiên, đối với người đóng BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân toàn bộ quá trình đóng, tương tự khu vực doanh nghiệp.

QUÝ NGUYỄN

Nguyễn Hoàng Lâm