/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Trái với cơ chế thị trường, không phù hợp quy định pháp luật

Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Trái với cơ chế thị trường, không phù hợp quy định pháp luật

08/04/2021 08:39 |

(LSVN) - Doanh nghiệp có quyền bán vé máy bay giá rẻ để tạo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cân bằng được chi phí bỏ ra và lợi nhuận, lại tạo được “vé rẻ” có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì không có lý do gì để Nhà nước phải ra giá sàn khống chế việc doanh nghiệp giảm giá vé.

Ảnh minh họa. 

Mới đây, Vietnam Airlines đã đề nghị với Cục Hàng không Việt Nam tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay. Theo kiến nghị, mức giá trần sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.

Mức giá sàn hiện nay là 0 đồng. Như vậy, nếu kiến nghị của Vietnam Airlines thành hiện thực, rất có thể không còn giá vé 0 đồng, 79.000 đồng... như nhiều hãng khuyến mãi trước đây.

Phải tuân thủ theo cơ chế thị trường

Trao đổi với Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, đề nghị này của Vietnam Airlines là chưa thực sự phù hợp, nhất là trong thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, Nhà nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ riêng biệt cho hãng hàng không này, điển hình là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Vietnam Airlines chính thức tiếp cận khoản vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0%, để bổ sung vốn tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định, với vị thế là một hãng hàng không có tên tuổi lớn và được nhiều người biết đến nhất tại Việt Nam, Vietnam Airlines không nên đưa ra đề nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay.

"Nếu đề nghị này của Vietnam Airlines được chấp thuận, trước hết sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các hãng hàng không khác trên thị trường, người tiêu dùng vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất", ông Hòa nói. 

Vị Đại biểu còn nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện xã hội hóa tất cả các lĩnh vực, thì việc phải tuân thủ cơ chế thị trường, theo nhu cầu của người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu, không thể để lợi ích của doanh nghiệp lên lợi ích của xã hội.

Không phù hợp với quy định pháp luật

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, cạnh tranh lành mạnh là một nguyên tắc cơ bản, được ghi nhận trong pháp luật cạnh tranh. Cụ thể, khoản 2 Điều 5 Luật Cạnh tranh 2018 quy định: “Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, thế nào là cạnh tranh lành mạnh thì pháp luật hiện nay không có định nghĩa cụ thể mà chỉ giải thích khái niệm về cạnh tranh không lành mạnh.

Theo khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh hiện hành, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là “hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”. Như vậy, từ định nghĩa này, có thể hiểu cạnh tranh lành mạnh là sự cạnh tranh hợp pháp, trong sạch, giữa các thương nhân hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực; không dùng các thủ đoạn, chiêu trò bất chính nhằm loại bỏ đối thủ.

Đối chiếu với kiến nghị của Vietnam Airlines là tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay thì kiến nghị này không phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, kiến nghị này lại không phù hợp với pháp luật cũng như chính sách của Nhà nước trong việc thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Giá năm 2012, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh vận tải hàng không hiện không phải là lĩnh vực độc quyền Nhà nước, do đó, Nhà nước sẽ không áp giá theo quy định tại Điều 28 Luật Cạnh tranh năm 2018.

Một trong những hình thức để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau là giảm giá sản phẩm mà nay lại tăng giá trần, áp giá sàn bằng 35% giá trần thì các hãng hàng không khác buộc phải hủy bỏ các chương trình khuyến mãi giá rẻ nhằm thu hút khách hàng của họ, dẫn đến giảm sự cạnh tranh trên thị trường và bên thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng.

Hiện nay, các hãng hàng không trong thị trường có rất nhiều chương trình khuyến mãi về giá vé khác nhau, điều này giúp họ thu hút được các khách hàng có thu nhập ở mức trung bình hoặc thấp.

Nếu áp dụng chính sách tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay như Vietnam Airlines đề xuất thì đồng nghĩa với việc các ưu đãi về giá - vốn là lợi thế cạnh tranh của các hãng máy bay giá rẻ sẽ bị hạn chế tối đa. Và sau cùng là người tiêu dùng bị thiệt, đặc biệt là những người dân đang có mức thu nhập chưa cao, sau một năm đại dịch cũng gặp ít nhiều khó khăn về kinh tế sẽ khó tiếp cận với phương tiện hàng không khi giá vé lại tăng cao.

Người tiêu dùng bị thiệt

Luật sư Mai Thị Thảo, Phó Giám đốc TAT Law firm cũng cho rằng, đề xuất của Vietnam Airlines chưa phù hợp. Bởi, theo Điều 28 Luật Cạnh tranh thì Nhà nước sẽ chỉ áp đặt giá đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước nhằm kiểm soát, tránh trường hợp thống lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. 

"Doanh nghiệp có quyền bán vé máy bay giá rẻ để tạo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cân bằng được chi phí bỏ ra và lợi nhuận, lại tạo được “vé rẻ” có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì không có lý do gì để Nhà nước phải ra giá sàn khống chế việc doanh nghiệp giảm giá vé. Vì vậy, việc việc áp giá sàn vé máy bay tại Việt Nam là không hợp lí, vừa trái với quy luật cung cầu của thị trường, vừa trái với Luật Giá", Luật sư Thảo nêu quan điểm.

Đồng thời, việc áp dụng giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hành không, đồng thời người dân không có nhiều vé máy bay giá rẻ, chắn chắn số lượng người đi lại bằng đường hàng không không những không tăng mà có nguy cơ giảm. Từ đó, tác động tiêu cực đến nhiều thị trường điển hình là lĩnh vực du lịch.

Được tiếp cận vốn vay lớn với lãi suất 0% trong 1 năm, nhưng Vietnam Airline cho rằng chi phí gia tăng, thiệt hại sau dịch là lớn nên vẫn cần thiết phải tăng giá trần và áp dụng giá sàn vé máy bay nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Theo Luật sư Thảo, điều này có phần là không hợp lí bởi Vietnam Airlines đã có lợi thế và thuận lợi hơn nhiều các hãng hàng không khác khi có sự hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng với lãi suất 0%, trong khi đó đại dịch diễn ra không chỉ làm thiệt hại đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Với đề xuất của Vietnam Airline, người tiêu dùng bị bất lợi lớn.

"Không những sẽ không có những vé máy bay rẻ với giá 0 đồng, người dân phải bỏ tiền cao hơn mới có thể được “bay”. Chi phí giá vé máy bay tăng, từ đó đẩy giá các tour du lịch hay dịch vụ kèm theo cũng tăng lên. Kết quả là chỉ người tiêu dùng bị bất lợi năng để coi như “cứu thoát” các hãng hàng không thoát khỏi “bùn lầy”. Nếu vậy, đây chẳng khác nào đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu, vừa không có lợi cho người tiêu dùng, vừa triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các hãng", Luật sư nêu quan điểm.

NGỌC ANH

Điều kiện để sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp

Lê Minh Hoàng