/ Đời sống - Xã hội
/ Tung tin nhập 15 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam, Donacoop nhằm mục đích gì?

Tung tin nhập 15 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam, Donacoop nhằm mục đích gì?

04/09/2021 09:53 |

(LSVN) - Thông tin Donacoop thông báo đã đàm phán và mua được 15 triệu liều vaccine Pfizer với hãng sản xuất này và 15/9 tới sẽ có 05 triệu liều đầu tiên về tới sân bay Tân Sơn Nhất, khiến dư luận quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi về tính xác thực của thông tin này đến đâu? Nếu số liều vaccine nói trên không có thực, thì mục đích của việc tung tin của Donacoop là gì…?

Ảnh minh họa.

Không có cơ sở

Cho đến ngày 03/9, sau khi Công ty CP đầu tư hạ tầng Donacoop ở Đồng Nai cho biết đã đàm phán mua xong 15 triệu vaccine Pfizer thì dư luận vẫn hết sức hoang mang vì không có cơ sở nào để hy vọng đây là thông tin chính xác. Đặc biệt, báo cáo của tỉnh Đồng Nai gửi Thủ tướng cho thấy Donacoop thông tin đợt 1 nhập về 05 triệu liều vào cuối tháng 8 nhưng đến nay đã 03/9 vẫn không thấy vaccine đâu?!

Để làm rõ câu chuyện nói trên, báo chí đã gửi thông tin đến các cơ quan có thẩm quyền, và đại diện Pfizer tại Việt Nam để xác minh, kết quả nhận lại “đây là thông hoàn toàn sai sự thật”.

Trả lời báo chí và các cơ quan liên quan tại Việt Nam, Pfizer Việt Nam khẳng định “Hiện tại trong giai đoạn đại dịch này, Pfizer chỉ cung cấp vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech cho các Chính phủ Trung ương và các tổ chức lớn toàn cầu (như Covax-NV). Chúng tôi hiểu nhu cầu cấp thiết của nhiều người muốn được tiêm phòng vaccine càng sớm càng tốt, các chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu đều muốn vaccine được phân phối một cách công bằng và bình đẳng. Theo các thỏa thuận, Chính phủ các nước sẽ chịu trách nhiệm quản lý việc phân bổ và phân phối vaccine tại quốc gia của họ. Vì thế, chúng tôi khẳng định, không có vaccine nào được cung cấp qua trung gian tại thời điểm này. Cũng không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền cho vaccine của chúng tôi trên toàn thế giới”.

“Đây là thông báo mà chúng tôi công bố công khai từ trước đến nay, nên mọi người có thể tự cảm nhận về tính chính xác của thông tin. Tại Việt Nam, Pfizer đã đạt thỏa thuận với Bộ Y tế Việt Nam về việc cung cấp vaccine Covid-19 mRNA - ComirnatyTM và thời gian nhận hàng trong Quý 3 và Quý 4 năm 2021. Phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho ComirnatyTM đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp ngày 12/6/2021. Việc phân phối vaccine tại Việt Nam sẽ do Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ phụ trách”, đại diện Pfizer Việt Nam nhấn mạnh thêm.

Trong khi đó, theo ông Vũ Tuấn Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan này chưa nhận được bất cứ hồ sơ gì liên quan đến mua bán, nhập khẩu vaccine của Donacoop. Trước đó, Bộ Y tế đã công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vaccine, trong đó có vaccine Covid-19, không có tên Công ty CP đầu tư hạ tầng Donacoop. Còn theo ông Phan Công Chiến, Trưởng Phòng Quản lý kinh doanh Dược (Cục quản lý dược), Công ty Donacoop không thuộc đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vaccine, trong đó có vaccine Covid-19.

“Công ty này có thể liên kết với một đơn vị đủ điều kiện để nhập khẩu vaccine Covid-19. Tuy nhiên dù có liên kết với đơn vị khác thì trong danh sách đơn hàng cũng sẽ có thông tin này, qua kiểm tra Cục dược không thấy tên doanh nghiệp này trong các đơn hàng nhập khẩu vaccine”, ông Chiến cho biết thêm.

Mục đích sau câu chuyện là gì?

Theo các chuyên gia, Chính phủ rất quan tâm đến việc nhập vaccine, Thủ tướng thực hiện nhiều cuộc đàm phán, liên hệ với các hãng sản xuất cũng như với lãnh đạo nhiều nước vì mục đích này. Cho nên, khi nghe có doanh nghiệp nhập được vaccine, đương nhiên Chính phủ rất ủng hộ.

Ông Bùi Thanh Trúc, Tổng giám đốc của Donacoop trả lời một tờ báo cho rằng ông làm việc trực tiếp với Pfizer ở NewYork nhưng thông tin này mà Donacoop đưa ra đã được phía Pfizer công khai phủ nhận. Từ đó, Donacoop cũng không có phản hồi nào với báo chí và dư luận trước thông tin mà họ tung ra trước đó. Vậy có nghĩa là ông Bùi Thanh Trúc, Tổng giám đốc của Donacoop đã đem công luận cả nước ra đùa. Mục đích của ông Trúc tung tin này là gì?

Từ khi dịch bệnh hoành hành, nhiều cá nhân đã tung tin sai sự thật, tin giả, tin đồn thất thiệt làm rối loạn xã hội và nhiều trường hợp đã bị xử phạt. Vậy đối với ông Tổng giám đốc Donacoop và việc đưa tin nhập 15 triệu liều vaccine Pfizer cần phải được làm rõ. Việc này có hay không, hay là tin giả, và nếu là tin giả thì xử lý như thế nào?

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Doanh Trung (Công ty Luật PSSLAWYERS, Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Donacoop khẳng định rằng đã thỏa thuận được với nhà cung cấp  Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và đối tác cũng đã chuẩn bị sẵn lượng vaccine để chuyển cho phía DN đang mâu thuẫn với những phát biểu của đại diện Pfizer.

Trường hợp Công ty Donacoop hoàn toàn chưa thỏa thuận được với nhà cung cấp Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vaccine, nhưng công ty này đã thông tin cho báo chí thì có dấu hiệu của hành vi cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí, Quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 9, Nghị định 119/2020 với mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 15 triệu. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức xử phạt bằng 1/2 của tổ chức (tức là từ 5 - 7,5 triệu – Điều 4, Nghị định 119). Buộc doanh nghiệp khắc phục hậu quả bằng cải chính, xin lỗi đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này."

Nếu Công ty đã đăng tải các thông tin trên lên mạng xã hội thì có dấu hiệu vi phạm  vào điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020, với mức xử phạt từ 10 – 20 triệu. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức xử phạt bằng 1/2 của tổ chức (tức là từ 05 - 10 triệu – Điều 4, Nghị định 15). Cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật”.

Luật sư Trần Văn Thành, Công ty Luật Năm sao (Hà Nội) cho biết, trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được việc nhập khẩu vaccine như đã thông tin thì cần làm rõ doanh nghiệp đã thực hiện những công đoạn nào cho việc nhập khẩu vaccine, đã nỗ lực nhưng không nhập được... Trường hợp công ty cố tình đưa ra thông tin không đúng sự thật thì có thể bị xem xét, xử lý về hành vi đưa ra thông tin sai sự thật về dịch bệnh. Trường hợp thông qua việc cung cấp thông tin không đúng để thu lợi thì tùy theo mức độ, tính chất có thể bị xem xét xử lý theo các tội danh khác.

Ở một góc nhìn khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, cần làm rõ có hay không việc Công ty Donacoop đàm phán mua vaccine. Nếu có thì đang ở giai đoạn nào? Còn vướng mắc chỗ nào?Trường hợp thông tin này không chính xác thì cần làm rõ mục đích, động cơ của doanh nghiệp và có chế tài xử lý, tránh ảnh hưởng đến tâm lý và kế hoạch phòng chống dịch của Nhà nước, địa phương và người dân.

PV

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để lọt ca Covid-19: Trách nhiệm thuộc về ai?

Lê Minh Hoàng