Ảnh minh họa.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Nghị định 15/2020/NĐ-CP và Nghị định 119/2020/NĐ-CP được xây dựng dựa trên quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các luật chuyên ngành.
Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Luật mới ban hành có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cụ thể:
(1) Về thẩm quyền xử phạt: Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước;
(2) Về hình thức xử phạt “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”: đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng hình thức này...
Mặt khác, trong quá trình thi hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như: Tình trạng doanh nghiệp bưu chính giảm giá dịch vụ, tính khối lượng bưu gửi không chính xác dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường gây mất ổn định môi trường kinh doanh.
Từ những lý do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là cần thiết, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử như sau: Bổ sung quy định phạt tiền, tước giấy phép có thời hạn đối với trường hợp áp dụng giá cước dịch vụ bưu chính không đúng với giá cước đã thông báo cho cơ quan quản lý. Cụ thể, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi áp dụng giá cước không đúng với giá cước các dịch vụ bưu chính như đã thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tước quyền sử dụng giấy phép bưu chính từ 4 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.
Đối với hành vi thể hiện thông tin khối lượng trên bưu gửi không đúng với khối lượng thực tế cũng bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Đồng thời, dự thảo bổ sung thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các nhóm hành vi vi phạm của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục hoặc miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, kinh dị, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, quảng cáo hàng hóa dịch vụ bị cấm...
PHƯƠNG THẢO
Tòa án tạm dừng nhận đơn khởi kiện và tiếp công dân trực tiếp