/ Tích hợp văn bản mới
/ Tựu trường sớm nhất vào ngày 01/9

Tựu trường sớm nhất vào ngày 01/9

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục quy định thống nhất thời gian năm học 2020-2021 là ngày 05/9. Học sinh đến trường để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 01/9, các trường không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng năm học.

Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam báo cáo tại buổi họp báo.

Tựu trường sớm nhất từ ngày 1/9

Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 30/6, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ quy định thống nhất thời gian khai giảng năm học 2020-2021 trên cả nước là ngày 05/9. Thời điểm tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 01/9.

Theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ GD&ĐT cho biết, các trường sẽ không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng năm học mà chỉ tập trung học sinh trước ngày khai giảng chỉ để ổn định nề nếp.

"Báo chí nếu có phát hiện trường hợp nào không thực hiện đúng quy định về tựu trường, thông tin cho Bộ GD&ĐT, bộ sẽ kiểm tra, xử lý", ông Trần Quang Nam, chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ GD&ĐT khẳng định.

Đối với trường tư thục, ông Trần Quang Nam cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường nhưng cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cũng thông tin, năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. Qua đó, tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.

Về việc học sinh lớp 1 có bị ảnh hưởng bởi việc tập trung muộn hơn mọi năm hay không, Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho rằng nếu khai giảng vào ngày 5/9 và kết thúc năm học vào 25/5, thời gian học của bậc tiểu học là 28 tuần. Trong khi đó, chương trình học hiện nay là 35 tuần, vì thế các trường có 3 tuần để dự phòng và nghỉ các ngày lễ.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng khẳng định, không các học sinh lớp 1 không ảnh hưởng gì. Đồng thời cho biết, năm 2020, học sinh lớp 1 sẽ học chương trình mới, học 2 buổi/ngày, mỗi ngày 7 tiết. Còn khoảng thời gian sau thời gian học chính khóa là thời gian để các giáo viên hoàn thành các phần việc của mình.

Trên 50% đại học dạy học từ xa trong Covid-19

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Nam cho hay, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế.

Trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch, lần đầu tiên dạy học từ xa qua Internet, trên truyền hình được triển khai trên phạm vi cả nước. Kết quả, ở bậc đại học có trên 50% trường đại học tổ chức dạy học từ xa. Ở bậc phổ thông, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc dạy học qua Internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh.

Theo ông Trần Quang Nam, việc dạy học từ xa qua Internet, trên truyền hình đã giúp các địa phương kết thúc năm học trước 15/7/2020, chất lượng giáo dục được đảm bảo, rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học; tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh.

Hiện Bộ GD&ĐT đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả. Việc thực hiện tốt dạy học trực tuyến sẽ giúp tăng thời gian nghỉ hè cho học sinh, giáo viên.

LÂM HOÀNG

/tu-mai-01-7-cong-dan-co-the-lam-ho-chieu-o-bat-cu-dau.html