(LSVN) - Chiều 25/12, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội đã tuyên án 07 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt). Là chủ mưu hành vi lừa đảo hơn 68.000 nạn nhân, "ông trùm" Liên Kết Việt - Lê Xuân Giang phải nhận mức án tù chung thân.
Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Giang (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên kết Việt) án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo điểm a, khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Giang được xác định là chủ mưu, sử dụng phần lớn số tiền chiếm đoạt được.
Cùng tội danh, các bị cáo Lê Văn Tú (nguyên Tổng giám đốc) bị tuyên phạt 17 năm tù, Nguyễn Thị Thủy (nguyên Phó tổng giám đốc) 18 năm tù.
Bốn bị cáo khác là thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên Kết Việt, gồm: Lê Thanh Sơn (sinh năm 1988) bị tuyên phạt 16 năm tù; Trịnh Xuân Sáng (sinh năm 1975) bị tuyên 16 năm tù; Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1967) bị tuyên 14 năm tù và Vũ Thị Hồng Dung (sinh năm 1974) bị tuyên 13 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc 07 bị cáo phải bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền là 371 tỉ đồng. Trong đó, phần của Lê Xuân Giang là hơn 268 tỉ đồng. Những người đã bị các bị cáo chiếm đoạt tiền có quyền khởi kiện và tiếp tục yêu cầu bồi thường thiệt hại.
"Các bị cáo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý hám lợi để tuyên truyền sai sự thật, thông qua đó thực hiện hành vi lừa đảo có tổ chức, xâm hại đến tài sản đặc biệt lớn của nhiều người, gây mất đoàn kết, rạn nứt của nhiều gia đình", HĐXX đánh giá.
Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến tài sản của người khác, trật tự trị an của xã hội, giảm lòng tin vào cơ quan nhà nước. Có bị cáo tham gia từ đầu, có bị cáo tham gia sau, nhưng các bị cáo đều tham gia theo sự phân công, hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức.
Nguyễn Thị Thủy được xác định chiếm hưởng cá nhân hơn 38 tỉ đồng, quá trình điều tra, xét xử tại tòa chưa thực sự ăn năn, hối cải.
Theo HĐXX, về cơ bản, tất cả các bị cáo đều thành khẩn khai báo. Tuy nhiên xuyên suốt trong giai đoạn tiền khởi tố, điều tra, xét xử, các bị cáo thể hiện thái độ chưa thực sự ăn năn, hối lỗi.
HĐXX nhận định vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp với hàng chục nghìn bị hại. Trong quá trình truy tố, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao và TAND TP. Hà Nội cũng đã nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Đến nay xác định được hơn 6.000 bị hại. Qua rà soát, trong số hơn 6.000 bị hại được VKSND tối cao xác định, thấy có bị hại bị trùng lặp, rà soát còn hơn 5.800 người.
Hội đồng xét xử nhận định, từ tháng 03/2014 đến tháng 11/2015, các bị cáo đã mở rộng mạng lưới, phát triển 30 chi nhánh trên toàn quốc và thu được số tiền hơn 2.000 tỉ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản tiền, cơ quan công tố buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm về số tiền chiếm đoạt 1.121 tỉ đồng. Số bị hại trong vụ án được xác định sơ bộ lên đến hơn 68.000 người trên toàn quốc. Đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ xác định được 6.053 bị hại, với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 391 tỉ đồng. Trước khi bị bắt, các bị cáo đã có hành vi tẩu tán, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ.
Theo cáo trạng, Lê Xuân Giang cùng các bị cáo xây dựng mô hình phát triển theo hướng đa cấp, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, các bị cáo đã xây dựng chuỗi đa cấp có tính chất lừa đảo, gây tổn hại đến nhiều gia đình, ảnh hưởng đến danh tiếng của Quân đội.
TRÀ MY