(LSVN) - Sau thời gian mở phiên tòa xét xử phúc thẩm với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La, sáng nay (20/11), Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định tuyên y án với các bị cáo.
Theo nhận định của HĐXX cấp phúc thẩm, trong vụ án này, HĐXX ở cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng người, đúng tội, xem xét các chứng cứ khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật. Đặc biệt, tại phiên phúc thẩm, các bị cáo Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Minh Khoa, Nguyễn Thanh Nhàn đã không đưa ra được các chứng cứ mới phù hợp với nội dung kháng cáo nên không có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo.
Theo đó, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm đối với 4 bị cáo có đơn kháng cáo gồm:
Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Lò Văn Huynh, cựu Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" 15 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ" tổng hợp hình phạt cho cả hai tội là này bị cáo Huynh phải chấp hành là 21 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa, cựu thượng tá, Phó Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La 8 năm tù về tội "Đưa hối lộ".
Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn, cựu Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục 30 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bên cạnh đó, HĐXX cũng xem xét kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Thanh Yến (vợ bị cáo Huynh) và ông Lê Thanh Sơn (em vợ ông Huynh). Qua đó, tòa không chấp nhận đề nghị trả lại số tiền 01 tỉ đồng do đây là vật chứng của vụ án, đồng ý miễn án sơ thẩm.
Theo bản án sơ thẩm, bốn bị cáo nêu trên cùng 8 người khác vì động cơ vụ lợi đã cùng nhau tác động vào bài thi, nâng điểm cho 44 thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Trong đó, bị cáo Trần Xuân Yến có vai trò chính trong vụ án, dù không trực tiếp tham gia sửa bài nhưng đồng thuận và tạo điều kiện cho các bị cáo can thiệp, nâng điểm cho thí sinh. Cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT còn chỉ đạo việc che giấu hành vi phạm tội bằng cách yêu cầu cấp dưới xóa toàn bộ dữ liệu bài thi trên máy tính.
Đặc biệt, Lò Văn Huynh cầm tiền của nhiều người để nâng điểm cho các thí sinh. Bị cáo nhận lời nâng điểm cho hai thí sinh do Nguyễn Minh Khoa cung cấp để đậu vào các trường công an. Cả hai thống nhất mỗi trường hợp sẽ có giá 700 triệu đồng và Khoa đã đưa trước cho Huynh 01 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau phiên sơ thẩm, bị cáo Trần Xuân Yến kháng cáo kêu oan, cho rằng không phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ như bản án sơ thẩm quy kết.
Bị cáo Lò Văn Huynh kháng cáo cho rằng không nhận hối lộ 01 tỉ đồng của bị cáo Nguyễn Minh Khoa. Những cáo buộc khác về hành vi nhận tiền của bị cáo Lò Thị Trường và tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và hành vi bị cáo Huynh mong được tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, không thừa nhận phạm tội đưa hối lộ 01 tỉ đồng. Bị cáo Khoa cho rằng tòa sơ thẩm không có các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của mình nên đề nghị tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại, thu thập bổ sung các chứng cứ.
Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn kháng cáo với nội dung bị cáo chỉ giữ vai trò giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng không có vai trò đáng kể, bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn, không phải là người thực hành, đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài 4 bị cáo, bà Lê Thị Thanh Yến và ông Lê Thanh Sơn là hai người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng có đơn kháng cáo yêu cầu xem xét lại về phán quyết liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm liên quan khoản tiền 01 tỉ đồng.
MY MY