Ảnh minh họa.
Theo đó, đối với giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và phát triển Chương trình trong cơ sở giáo dục mầm non: chỉ đạo triển khai các giải pháp, phát huy tính chủ động của nhà trường trong việc phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương, khả năng và nhu cầu của trẻ.
Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển toàn diện trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non, khuyến khích tổ chức các hoạt động thực hành, trải nghiệm, học thông qua chơi…; bảo đảm điều kiện, môi trường giáo dục, thời gian tổ chức các hoạt động cho trẻ ở ngoài trời và trong lớp theo chế độ sinh hoạt hằng ngày.
Chủ động hợp tác, áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non tích hợp đã được phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở thực hiện liên kết giáo dục.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị triển khai thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Tập trung chuẩn bị tốt điều kiện về các nguồn lực và năng lực đội ngũ cho việc thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số: tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.
Cụ thể, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp và xây dựng cảnh quan môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em.
Tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ chính sách đối với trẻ em và giáo viên trực tiếp dạy trẻ người dân tộc thiểu số theo quy định.
Nâng chất lượng tăng cường chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ em mẫu giáo trước khi vào lớp một.
Tổng kết, đánh giá Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021- 2025” bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt Chuyên đề; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về kết quả, ưu điểm thực hiện chuyên đề, bài học kinh nghiệm, mô hình sáng tạo.
Bảo đảm chất lượng giáo dục hoà nhập trẻ em khuyết tật: thực hiện nghiêm túc các quy định về giáo dục hòa nhập; truyền thông nâng cao nhận thức của cha mẹ trẻ và cộng đồng về giáo dục hòa nhập đối với trẻ em và trẻ khuyết tật để đảm bảo cơ hội trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non.
Thực hiện đúng việc cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ em, GV, cơ sở giáo dục có trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục mầm non trong quản lý và thực hiện giáo dục trẻ khuyết tật.
Rà soát việc thực hiện chính sách đối với những cơ sở giáo dục mầm non đang có trẻ khuyết tật học hòa nhập nhằm đảm bảo quyền lợi cho trẻ em và giáo viên theo quy định của pháp luật.
Tăng cường lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non: giáo dục quyền con người, giáo dục giới, an toàn giao thông, kĩ năng sống xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…
Đối với việc chuẩn bị cho trẻ em 05 tuổi sẵn sàng vào học lớp một đáp ứng yêu cầu liên thông với Chương trình lớp một thì phối hợp với gia đình, cộng đồng tuyên truyền việc trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non bảo đảm điều kiện vào học lớp một.
Tăng cường các giải pháp thực hiện hiệu quả các hoạt động chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp một.
Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ em 5 tuổi dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở nơi có điều kiện theo quy định tại Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT và các văn bản của Bộ GD&ĐT.
TRẦN VŨ
Bộ GD&ĐT dự kiến thay đổi cách xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025