Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT, tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người. Trong đó, số giảng viên có chức danh giáo sư chỉ là 757 người (đây là số lượng giáo sư đang giảng dạy, không tính những người đã về hưu hoặc không tham gia giảng dạy), chỉ chiếm tỷ lệ chỉ 0,89%. Đây cũng là thành phần ít nhất trong cơ cấu trình độ giảng viên.
Bên cạnh đó, số giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ đông đảo nhất với 60,35%. Số giảng viên có chức danh phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21%. Số giảng viên có học vị tiến sĩ là 25,19% và có trình độ đại học là 7,36%.
Trước đó, từ 2019, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định 37/2018 của Thủ tướng với những tiêu chuẩn cao hơn trước đó. Ứng viên bắt buộc phải có "bài báo khoa học quốc tế" thay vì chỉ quy định chung là bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học như trước. Ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của ít nhất năm bài báo khoa học quốc tế, phó giáo sư có ba bài đăng trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus hoặc danh mục khác do Hội đồng Nhà nước quyết định.
Khi áp dụng tiêu chuẩn mới, số ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư đã giảm. Năm 2019 có 424 người được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Con số này năm 2020 là 339, năm 2021 là 405, chiếm khoảng 60-70% số ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất.
Năm 2022, có 51 ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư và 396 phó giáo sư. Hội đồng Nhà nước sẽ xem xét và thông qua danh sách đạt tiêu chuẩn được công nhận chức danh, dự kiến công bố vào cuối năm.
PV
Dự thảo quy định về quan hệ phối hợp hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự