Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại Thông báo số 1265/TB-TTKQH ngày 07/7/2022 thông báo ý kiến của UBTV Quốc hội đã nêu điều chỉnh trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tế phát sinh, dự thảo Nghị quyết chỉ trình nguyên tắc giảm thuế mà không cụ thể phương án và giao thẩm quyền cho UBTV Quốc hội quyết định khi giá xăng dầu tăng cao.
Việc UBTV Quốc hội quyết định giảm thuế cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể phải trên cơ sở tính toán, đề xuất của Chính phủ căn cứ tình hình diễn biến giá xăng dầu thực tế và trên cơ sở khả năng cân đối, hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.
Về kinh nghiệm quốc tế trong việc ổn định giá xăng dầu, có ý kiến đề nghị bổ sung kinh nghiệm quốc tế giảm Thuế Giá trị gia tăng của Đức: “Đức giảm thuế Giá trị gia tăng đối với khí đốt từ mức 19% hiện tại xuống còn 07% trong khoảng thời gian từ 01/10/2022 - 31/3/2024”. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã tiếp thu và bổ sung vào phần kinh nghiệm quốc tế tại Tờ trình Chính phủ.
Về giá cơ sở xăng dầu, có ý kiến đề nghị cân nhắc cập nhật về tỉ trọng chi phí trong giá cơ sở xăng dầu, số liệu đối với các thuyết minh về tỉ trọng thuế, mức giá, mức thuế đối với các mặt hàng xăng dầu tại dự thảo.
Bộ Tài chính đã tiếp thu và cập nhật lại số liệu theo kỳ điều chỉnh giá cơ sở xăng dầu gần nhất có thể (kỳ điều chỉnh ngày 21/9/2022).
Trước đó, ngày 23/9/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 9691/BTC-CST gửi các bộ ngành xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và mức Thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho UBTV Quốc hội điều chỉnh giảm mức Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và Thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu với mức giảm 50%.
Về chính sách Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và Thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu hiện hành, Bộ Tài chính cho biết theo quy định của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 08% và xăng E10 là 07%.
Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với Thuế Tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, Thuế Tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ôtô, máy bay, du thuyền, chơi Golf,...).
Về Thuế Giá trị gia tăng, pháp luật Thuế Giá trị gia tăng không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu Thuế Giá trị gia tăng mà chỉ quy định áp dụng Thuế Giá trị gia tăng theo hàng hóa, dịch vụ chịu Thuế Giá trị gia tăng với 3 mức thuế suất, trong đó quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 05% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại.
Bộ Tài chính cũng cho hay, mặt hàng xăng dầu đang chịu mức Thuế Giá trị gia tăng 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Về thẩm quyền, tương tự như Thuế Tiêu thụ đặc biệt, việc thực hiện điều chỉnh đối với Thuế Giá trị gia tăng thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, Bộ đề xuất giảm tối đa 50% mức Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức Thuế Giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ để trình Quốc hội quyết nghị giao UBTV Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và Thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Từ đề xuất trên, Bộ Tài chính đánh giá tác động trên cơ sở 02 phương án. Trong trường hợp giảm 50% mức Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức Thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu, thời gian áp dụng 06 tháng thì giảm số thu ngân sách Nhà nước đối với 02 sắc thuế này là 7.434 tỉ đồng.
Với phương án đề xuất nêu trên và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12-9 thì tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 15,93% đối với xăng E5RON92, khoảng 17,95% đối với xăng RON95 và khoảng 9,75% đối với dầu diesel.
Trong trường hợp giảm 50% mức Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức Thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu, thời gian áp dụng 06 tháng, thì số giảm số thu ngân sách Nhà nước với 02 loại thuế này là 12.186 tỉ đồng.
Với phương án này, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 13,35% đối với xăng E5RON92, khoảng 15,61% đối với xăng RON95 và khoảng 7,18% đối với dầu diesel.
HOÀNG TRẦN