Theo đề nghị của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 - 2025, việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tại 12 tỉnh, thành phố được thể hiện trong 15 Đề án cụ thể. Theo đó, đối với cấp huyện, trong số 12 tỉnh, thành phố, có 08 ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp, Chính phủ đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với tất cả 08 đơn vị này do có yếu tố đặc thù; có 06 đơn vị theo diện khuyến khích. Các Đề án của Chính phủ đã xây dựng 03 phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện.
Đối với cấp xã, trong số 12 tỉnh, thành phố, có 483 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, Chính phủ đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 258 đơn vị (chiếm 53,42%) do có yếu tố đặc thù; thực hiện sắp xếp đối với 361 đơn vị, trong đó có 225 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 94 đơn vị liền kề có liên quan và 41 đơn vị thuộc diện khuyến khích hoặc thành lập trên cơ sở nguyên trạng. Các Đề án của Chính phủ đã xây dựng 172 phương án sắp xếp đối với 361 ĐVHC cấp xã.
Sau sắp xếp, 12 tỉnh, thành phố nêu trên dự kiến giảm được 01/06 ĐVHC cấp huyện (chiếm 16,66 % tổng số ĐVHC cấp huyện tham gia sắp xếp) và 161/361 ĐVHC cấp xã (chiếm 44,60% tổng số ĐVHC cấp xã tham gia sắp xếp), trong đó giảm nhiều nhất là thành phố Hà Nội (53/109 đơn vị), tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh (39/80 đơn vị), tỉnh Phú Thọ (18/31 đơn vị) và tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp của 12 tỉnh, thành phố như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ. Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ phương án đối với 89 đơn vị thuộc 07 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định; phương án sắp xếp cán bộ, trụ sở dôi dư sau sắp xếp;...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH ghi nhận sự cố gắng và nỗ lực Chính phủ, các Bộ cũng như cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng các đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã để trình UBTVQH xem xét. Đồng thời, đánh giá cao Ủy ban Pháp luật đã làm việc rất khẩn trương, trách nhiệm, xây dựng báo cáo thẩm tra kỹ lưỡng, đúng quy định.
Qua thảo luận, UBTVQH đánh giá, việc sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo các đề án cơ bản bảo đảm đúng quy định. Các ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng đề nghị chưa sắp xếp do có yếu tố đặc thù và các ĐVHC hình thành sau sắp xếp chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và không thể tiếp tục sắp xếp với các ĐVHC liền kề đều đã được Chính phủ và chính quyền các địa phương báo cáo, giải trình theo quy định.
Tại phiên họp, với 100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thống nhất thông qua toàn bộ 12 dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh và Vĩnh Phúc. Các Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, riêng Nghị quyết của tỉnh Sơn La có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở kết quả biểu quyết của UBTVQH và ý kiến của các thành viên UBTVQH, giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết và dự thảo Kết luận của UBTVQH trình ký ban hành theo quy định.