/ Pháp luật - Đời sống
/ UBTVQH thông qua Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 BLHS 2015

UBTVQH thông qua Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 BLHS 2015

23/11/2021 07:35 |

(LSVN) - Ngày 23/11, Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã xem xét nhiều dự án luật quan trọng. Trong đó, có dự thảo Nghị quyết của UBTVQH giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 5 của UBTVQH. 

Theo tờ trình, Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết giải thích một số điều của BLHS năm 2015 để thống nhất việc vận dụng các quy định của BLHS trong xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh, thực hiện cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Dự thảo Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 BLHS năm 2015 như sau: Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 BLHS được hiểu bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với nội dung giải thích theo đề xuất của Chính phủ. Theo Ủy ban Tư pháp, nội dung giải thích bao gồm cả dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, vì vậy đã đáp ứng được yêu cầu xử lý hình sự hành vi vi phạm bí mật kinh doanh của Hiệp định CPTPP. Cấu thành cơ bản của Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (khoản 1 Điều 289) bao gồm các hành vi kế tiếp nhau. Để có thể lấy cắp được dữ liệu của người khác, trước hết, người phạm tội phải xâm nhập được (được cụ thể hóa bằng các hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác trong cấu thành cơ bản của tội phạm này) vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác, sau đó mới thực hiện các hành vi tiếp theo gồm chiếm quyền điều khiển, hoặc can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử, hoặc lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu, hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ.

Do đó, việc lựa chọn “Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu” để giải thích là phù hợp, vì đây là một trong những hành vi đã được quy định khoản 1 Điều 289 BLHS và là hành vi phù hợp nhất với yêu cầu của Hiệp định.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Các đại biểu cho rằng, theo lộ trình, việc thực thi cam kết của Việt Nam tại CPTPP với vấn đề này là từ năm 2022. Do vậy, việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại thời điểm này là hợp lý. Các đại biểu nhất trí cao với thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 14/01/2022.

Với 100% đại biểu tán thành, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết. Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2022 và được áp dụng cùng với BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

NGỌC ANH

Hà Nội bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ hôm nay

Lê Minh Hoàng