/ Tích hợp văn bản mới
/ UBTVQH xem xét dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

UBTVQH xem xét dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Tại phiên họp thứ 46 diễn ra sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.

Trình bày Báo cáo một số nội dung chủ yếu xin ý kiến UBTVQH về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chưa thể hiện bao hàm được hết các nội dung của dự án Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý Điều 1 quy định cụ thể và bao quát để phản ánh cơ bản các nội dung của dự án Luật.

Về đối tượng áp dụng (Điều 2, Điều 5), một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ hơn về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Thường trực Ủy ban cho rằng, các địa phương thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Ủy ban khảo sát, lấy ý kiến đều giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện.

Do vậy, đa số Thường trực Ủy ban thống nhất tiếp thu theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; đồng thời, bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại Điều 38 của Luật Việc làm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính liên thông của lao động trong nước – ngoài nước, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động này tại các địa phương, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm vì: Sẽ phát sinh chi ngân sách, nhân lực của Nhà nước; chưa sát với tinh thần của Nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công, xã hội hóa dịch vụ công và ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4), một số ý kiến đề nghị cần có chính sách đối với đối tượng lao động là người dân tộc thiểu số; bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với người thu nhập thấp hoặc gặp khó khăn về chi phí khi đi lao động ở nước ngoài.

Thường trực Ủy ban cho rằng, ngoài quy định về chính sách của Nhà nước tại dự thảo Luật này thì Điều 20 của Luật Việc làm đã quy định chính sách đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, Thường trực Ủy ban dự kiến tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng dẫn chiếu Luật Việc làm và chỉnh lý các nội dung chính sách cho phù hợp.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định về chính sách bảo đảm bình đẳng giới cần phải được cụ thể hóa hơn trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban dự kiến tiếp thu theo hướng bổ sung quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và các đơn vị, tổ chức thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để bảo đảm bình đẳng giới tại các điều cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.

Về thời hạn Giấy phép hoạt động dịch vụ (Điều 11), nhiều ý kiến không tán thành quy định thời hạn 5 năm đối với Giấy phép hoạt động dịch vụ.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban thống nhất giữ như quy định của Luật hiện hành là không quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bỏ khoản 2 Điều 11, Điều 13 của dự thảo) nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc gây khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, rà soát để quy định cụ thể các điều kiện, trường hợp bị thu hồi giấy phép nhằm bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ của doanh nghiệp dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực này.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 70, 71), một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, địa phương để tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước…

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài và theo dõi, nắm bắt tình hình, quản lý lao động sau khi về nước; bổ sung trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ người lao động tiếp cận làm các thủ tục hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước khi họ đang làm việc ở nước ngoài…

Về chuẩn bị nguồn lao động (Điều 18 và Điều 19), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể các quy trình về sơ tuyển lao động, chuẩn bị đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết để bảo đảm chất lượng lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; tránh đào tạo nhiều nhưng số lượng đi thì ít.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để khắc phục tình trạng đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề… chưa sát với khả năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý quy định về chuẩn bị nguồn lao động của dự thảo Luật theo hướng phân định rõ bước sơ tuyển, đào tạo bổ túc kỹ năng nghề nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nhưng hạn chế việc lạm dụng và tránh lãng phí xã hội không cần thiết. Đồng thời, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết, đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo bổ sung kịp thời dự thảo văn bản quy định chi tiết để Quốc hội có cơ sở cho ý kiến khi thông qua.

Về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (Điều 62 dự thảo trình Quốc hội), một số ý kiến đề nghị không cần thiết quy định điều này vì khởi nghiệp sáng tạo là chung cho tất cả đối tượng, đặc biệt là đối với thanh niên, doanh nghiệp trẻ. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban dự kiến bỏ quy định này vì vấn đề đã được quy định tại Luật Việc làm và nhiều luật khác.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 78 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

NGUYỄN HOÀNG/VGP

/nang-cao-chat-luong-tranh-tung-tai-phien-toa-hinh-su-so-tham.html