Ngày 17/4, tại Phiên họp lần thứ 221 của Ban Chấp hành UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) diễn ra tại Paris, Pháp, UNESCO chính thức công bố danh sách 16 công viên địa chất toàn cầu mới, trong đó có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Như vậy, mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO lên 229 công viên tại 50 quốc gia.
Trước đó, tại phiên họp tất cả 58 quốc gia thành viên của Ban Chấp hành UNESCO đã đạt được sự đồng thuận phê duyệt 16 công viên địa chất mới, theo các khuyến nghị của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO trong các cuộc họp vào tháng 9 và tháng 12/2024.
Năm nay, 16 công viên địa chất mới được công nhận nằm ở 11 quốc gia gồm: Trung Quốc (Kanbula và Yunyang), Bắc Triều Tiên (Núi Paektu), Ecuador (Napo Sumaco và Tungurahua), Indonesia (Kebumen và Meratus), Ý (Mur), Na Uy (Bờ biển Fjord), Hàn Quốc (Đan Dương và Kyungbuk), Ả Rập Saudi (Salma và Bắc Riyadh), Tây Ban Nha (Costa Quebrada), Vương quốc Anh (Arran) và Việt Nam (Lạng Sơn).

Công viên địa chất Lạng Sơn chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (Ảnh minh họa)
Việc công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển Du lịch bền vững của tỉnh, kết nối Lạng Sơn với các đối tác trong mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển bền vững chung, tạo thêm động lực, cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tỉnh Lạng Sơn tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài ra, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn sở hữu những giá trị độc đáo, tiêu biểu, nổi bật có thể đóng góp, bổ sung quan trọng vào chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống Công viên địa chất toàn cầu.
Công viên địa chất Lạng Sơn có phạm vi thuộc 8 huyện, thành phố: Lạng Sơn, Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và một phần địa giới hành chính của Bình Gia, Cao Lộc với tổng diện tích 4.842,58 km2 và dân số gần 627.000 người, tương ứng khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.
Với sự công nhận này, Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ 4 ở Việt Nam sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông.