LSVNO - Mặc dù kết luận về việc kiểm kê, đối soát các hiện vật của Quán Linh Tiên (xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) chỉ ra nhiều cổ vật có giá trị đã không còn. Nhưng đến nay ai là người chủ mưu để đánh tráo, đánh cắp tài sản quốc gia thì vẫn chưa được làm rõ.
Trước việc hàng loạt cổ vật là tài sản quốc gia tại Quán Linh Tiên bị “bốc hơi”, dù chính quyền địa phương đã vào cuộc. Tuy nhiên, sau nhiều tháng trôi qua, sự việc vẫn gần như “nằm im”.
Tại Kết luận số 08/KL-UBND của UBND huyện Hoài Đức cũng đã chỉ rõ những cổ vật, di vật bị mất so với hồ sơ xếp hạng di tích năm 1990, gồm: 02 nghê dùng để hóa vàng, 03 tấm ván in kinh, 01 bia đá thời nhà Mạc, 01 đôi lộc bình thời nhà Thanh. Ngoài 02 cuốn thư được làm mới do bị trộm cắp trước năm 2000 thì Kết luận không chỉ ra được những di vật nào đã bị đánh tráo.
Quán Linh Tiên được đổi thành Chùa Linh Tiên (hồ sơ xếp hạng di tích không có Chùa Linh Tiên).
Trong hồ sơ xếp hạng di tích năm 1990 chỉ có 148 di vật, hiện vật nhưng trong đợt kiểm kê, đối soát tháng 12/2018 thì ngoài những di vật, hiện vật bị mất, số lượng hiện vật kiểm đếm được là 546.
Ông Đỗ Văn Thúy – Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Hoài Đức cho biết, UBND huyện Hoài Đức đã có chỉ đạo thực hiện kiểm kê, đối soát di vật, hiện vật Quán Linh Tiên vào tháng 12/2018. Phần kiểm kê, đối soát cũng chỉ ra những di vật, hiện vật còn hay mất, còn những di vật nếu bị đánh tráo thì chưa thể chỉ ra được.
Cũng theo ông Thúy, trách nhiệm để xảy ra việc thất thoát cổ vật như trên thuộc về chính quyền cấp cơ sở, ở đây là “UBND xã Đức Thượng, Ban quản lý Di tích xã Đức Thượng, Tiểu Ban Quản lý di tích Quán Linh Tiên”.
Chính quyền địa phương có để trụ trì làm gì tùy ý với Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia? UBND xã Đức Thượng không rõ vì lý do gì mà buông lỏng quản lý dẫn đến việc thay đổi hiện trạng của di tích, tự ý tiến hành sửa chữa, đưa đồ thờ mới vào di tích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Điều này vi phạm nghiêm trọng Điểm b, Khoản 4, Điều 17 Quyết định 48/2016/QĐ-UBND, ngày 17/11/2016 của UBND TP. Hà Nội về việc Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Ngoài ra, chính quyền xã Đức Thượng cũng đã buông lỏng vấn đề quản lý tài chính của Quán Linh Tiên. Trước đó, Chủ tịch xã Đức Thượng - Nguyễn Văn Thuấn trả lời báo chí về vấn đề tài chính của Quán Linh Tiên là “tự sản, tự tiêu”, tất cả đều do trụ trì Thích Đàm Chính quản lý.
Có trong tay danh sách 20 người trong Ban Quản lý Di tích Quán Linh Tiên nhưng chính quyền xã Đức Thượng lại phó mặc hết cho trụ trì muốn làm gì thì làm? Điều này, một lần nữa cho thấy sự yếu kém về công tác quản lý của địa phương.
Theo người dân, trụ trì Thích Đàm Chính (tên thật là Trần Thị Phích) đã về trông coi Quan Linh Tiên từ năm 1989 do người dân mời về, trước khi Quán Linh Tiên được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Như vậy, có thể nói những cổ vật, di vật bị thất thoát đều trong thời gian trụ trì Thích Đàm Chính trông coi Quán Linh Tiên.
Trước đó, chính trụ trì Thích Đàm Chính đã bị người dân “mời” ra khỏi Quán Linh Tiên sau khi phát hiện 3 câu đối cổ bị đánh tráo cũng như toàn bộ số tiền công đức mấy chục năm không biết đi đâu?
Một số câu đối lòng mo ôm cột bị thay bằng câu đối ván thẳng.
Như đã thông tin, đối tượng Nguyễn Đăng Hùng là người được trụ trì Thích Đàm Chính cho mang 03 đôi câu đối về nhà sơn, thếp, làm mới lại. Lợi dụng việc đó, chính ông Hùng là người làm giả 03 đôi câu đối khác và đánh tráo 03 đôi câu đối cổ. Sự việc bị vỡ lở, ông Hùng đã chuộc lại ba bộ câu đối cổ lại với giá 35 triệu đồng. Được biết, Nguyễn Đăng Hùng đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Hiện mới chỉ thống kê được số cổ vật, di vật bị mất so với hồ sơ xếp hạng di tích năm 1990, còn những cổ vật bị đánh tráo bằng đồ giả vẫn chưa được làm rõ.
Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin!
Khánh Duy – Đoàn Vĩnh