LSVNO - Trần Thái Tông là vị vua mở đầu cho các vua nhà Trần. Thời vua trị vì được “Gia huấn ca” ngợi ca là: Thái Tông tức vị trị đời/Người no, nhà đủ nơi nơi thái bình.
Vua là người hâm mộ đạo Phật, nên tuổi càng cao thì việc xét đoán việc càng sâu. Chứng cứ đâu xa, ngài từng có sự chiêm đoán rất chính xác về một vấn đề liên quan tới bản thân mình. Đó là ngày cuối cùng ở dương thế. Việc này được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại.
Trần Thái Tông (1218 - 1276).
Thượng hoàng trước ngày quy tiên
Có lần Thái thượng hoàng Trần Thái Tông đến ngự đường chợt thấy một con rết bò trên áo ngự, sợ quá ông lấy tay phủi đi, con rết rơi xuống đất phát ra tiếng kêu, nhìn lại thì hóa ra một chiếc đinh sắt. Ông bói thử thì biết sẽ có điềm gì đó xảy ra vào năm Đinh. Lại có lần Thượng hoàng vui đùa nói Minh Tự Nguyễn Mặc Lão chiêm đoán xem điềm lành hay dữ cho mình. Khi Mặc Lão dùng phép chiêm đoán thấy có một cái hòm vuông, bốn mặt đều có chữ “nguyệt”, trên hòm vuông có một cái kim, một cái lược. Thượng hoàng căn cứ vào đó, đoán rằng:
- Cái hòm đó là quan tài, bốn mặt chữ “nguyệt” tức là tháng tư, nguyệt cũng là mệnh âm. Cái kim trên hòm có thể xâu vật gì đó tương ứng với đòn xóc khiêng quan tài. Chữ “sơ” là cái lược, đồng âm với chữ “sơ” là xa, tức là sẽ xa rời cõi sống.
Lại vào lúc đó ngài đang xem múa rối, tiết mục đó hay có câu cửa miệng: “Chóng đến ngày mùng Một thay phiên”. Ngài lại đoán rằng:
- Thế là ngày mùng Một ta chết.
Lời chiêm đoán là thế. Sau này, trùng hợp làm sao, ngày mùng Một tháng tư năm Đinh Sửu (1277), Thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà. Tương truyền vào năm Bính Tý (1276), có lần ngài nói trước với người hầu cận: “Đến tháng tư sang năm ta tất chết”. Quả nhiên ứng nghiệm.
Thương xót, con mất sau cha
Vua Thái Tông lúc sinh thời có nhiều người con đã làm hiển hách cho dòng họ, tổ tông như Trần Hoảng (vua Thánh Tông sau này), Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật… Vua cũng có một số công chúa. Trong đó, công chúa Thiều Dương, tên húy là Thúy (? - 1277) là một người con đáng được tôn vinh về chữ hiếu.
Khi đến tuổi cập kê, công chúa Thiều Dương cũng như chị em mình, được cha cho se duyên tơ hồng với Thượng vị Văn Hưng hầu (không rõ tên). Cuộc đời bà cũng trôi qua bình dị như bao phu nhân của quan quân thời Trần. Nhưng, sử sách đời sau mãi nhắc đến Thiều Dương, bởi sự kiện liên quan đến cái chết của Thái Tông Trần Cảnh cha bà và cũng là cái kết cho bà nơi cõi trần tục “sinh ký tử quy” .
Tháng 3 năm Đinh Sửu (1277), Thượng hoàng Thái Tông lúc này đã tuổi 60, trong người không được khỏe. Lúc ấy công chúa Thiều Dương vì mới sinh đứa con của Thượng vị Văn Hưng hầu, ở cữ nên không đến thăm cha được, rất lo lắng nên nhiều lần sai người đến thăm hỏi. Nhưng người hầu cận đều trả lời là Thượng hoàng đã bình phục, không việc gì để cho công chúa yên tâm.
Ngày Một tháng tư năm Đinh Sửu (1277), tuổi cao sức yếu, Thượng hoàng Thái Tông băng hà ở cung Vạn Thọ. Theo lệ, vua, Thượng hoàng mất thì kéo chuông ở triều cho dân tình biết. Lúc này, công chúa Thiều Dương bỗng nghe tiếng chuông liên hồi gióng lên, mới hỏi người xung quanh rằng:
- Có thể nào không phải là tin dữ chăng?
Những người hầu bên cạnh lo công chúa đau buồn mà làm tổn hại đến sức khỏe nên nói dối. Nhưng linh tính mách bảo cho nàng đó là sự ra đi của phụ vương về miền cực lạc. Công chúa không nghe, đau buồn quá, cứ thương khóc, kêu gào mãi không thôi. Rồi mắt nhắm nghiền, ít lâu sau thì mất, để lại chồng góa, con thơ. Người trong nước ai cũng xót thương. Còn nhà Trần thì tang lại tiếp tang. Quả là đau buồn.
Năm Ất Mùi (1295), đời vua Anh Tông cũng có một trường hợp gần giống thế. Đó là gương của bà Lê Thị Ta ở phường Tây Nhai trong thành Thăng Long. Chồng bà là Phạm Mưu, theo lệnh triều đình sang sứ bên Nguyên, nhưng rồi bị bệnh mất. Thị Ta nghe tin, thương khóc ba ngày không ăn uống gì rồi chết. Sự việc đó tâu về triều, nhà vua ban cho bạc và lụa để biểu dương tiết nghĩa của bà đối với chồng.
(còn nữa...)
ThS Trần Đình Ba