/ Tích hợp văn bản mới
/ Ưu tiên giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi

Ưu tiên giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Đây là một trong những nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi được Bộ Công an quy định tại dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi; Dự thảo Thông tư gồm 03 chương 26 điều.

Dự thảo Thông tư này quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

Theo đó, xâm hại người dưới 18 tuổi là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, dâm ô, sử dụng vào mục đích khiêu dâm); mua bán, chiếm đoạt người; hành hạ, ngược đãi, bắt lao động trái quy định của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi.

Điều 3 Dự thảo quy định các nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi, gồm:

- Bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Mọi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can trong vụ án.

- Áp dụng các biện pháp phù hợp, cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo đảm người bị hại là người dưới 18 tuổi cũng như người thân thích của họ được an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác khi các quyền, lợi ích ấy bị đe dọa hoặc bị xâm hại.

- Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi phải được chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.

- Ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời các vụ án xâm hại  người dưới 18 tuổi.

Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể nguồn tin về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi gồm:
- Tin báo, tố giác của nạn nhân hoặc người thân thích của họ về hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi;
- Tin báo, tố giác của người biết việc về hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi;
- Văn bản kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tin báo của cơ quan y tế, du lịch, tổ chức đoàn thể và cơ quan, tổ chức khác khi họ phát hiện hoặc nghi ngờ hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi;
- Tin báo về tội phạm từ Tổng đài 111; tin báo được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet và thông tin trên các mạng xã hội;
- Thông qua công tác nghiệp vụ, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hay người phạm tội tự thú.

Bên cạnh đó, việc giải quyết ban đầu đối với tin báo, tố giác về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra hoặc diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện; các biện pháp cấp bách xử lý hành vi phạm tội đang diễn ra, hành vi phạm tội diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện cũng như trình tự, thủ tục tiếp nhận, kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi… đã được quy định rõ tại Chương II của dự thảo này.

Công tác bảo vệ người bị hại là người dưới 18 tuổi cũng là một trong những nội dung quan trọng được nêu tại dự thảo, trong đó quy định khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra phải áp dụng ngay các biện pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 486 của Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo vệ họ. Tùy tình hình thực tế, có thể áp dụng thêm các biện pháp sau đây:

- Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông gỡ các bài báo, thông tin trên mạng xã hội về nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại khi họ có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết phải bảo vệ thông tin nhân thân của người dưới 18 tuổi bị xâm hại;

- Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin nhân thân, danh dự, nhân phẩm người dưới 18 tuổi là bị hại, người tố giác tội phạm, người làm chứng bị xâm hại hoặc là người làm chứng bị phát tán trên mạng Internet hoặc các mạng xã hội;

- Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức xử lý theo thẩm quyền đối với người cố tình phát tán, truyền đưa thông tin nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại, người tố giác tội phạm, người làm chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi là bị hại…

Dự thảo vẫn đang được lấy ý kiến đóng góp trên cổng thông tin của Bộ.

MINH HIỀN

/hanh-vi-loi-dung-ep-buoc-tre-em-de-thuc-hien-hanh-vi-pham-toi-co-the-bi-xu-ly-hinh-su.html