Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình và đạt được các yêu cầu đề ra, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, Nhân dân cả nước.
Các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được lựa chọn chất vấn là đúng trọng tâm, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng, gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, các đại biểu Quốc hội từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình đã nêu câu hỏi phản ánh sát thực tế đời sống, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc và cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, thẳng thắn giải trình, làm rõ nhiều vấn đề.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các kết quả công tác, giải pháp, cam kết của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các Bộ trưởng tại phiên chất vấn.
Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Trước yêu cầu số lượng các vụ án, vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng và phải thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, giải quyết số lượng lớn vụ án, vụ việc, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử đáp ứng yêu cầu đề ra. Đặc biệt, đã kịp thời truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được cử tri, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong công tác xét xử vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản chưa cao. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân đang thụ lý, xem xét, giải quyết còn lớn.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự còn để xảy ra một số trường hợp oan; một số trường hợp Viện Kiểm sát truy tố nhưng bị trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới; một số trường hợp Viện Kiểm sát phải rút quyết định truy tố; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự của Viện Kiểm sát được Tòa án chấp nhận chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 2711/2019, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xét xử, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới về công tác xét xử, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, các công tác khác thuộc lĩnh vực phụ trách của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Trong đó nhấn mạnh có các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; bảo đảm tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng. Có các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng; khắc phục triệt để việc xảy ra các trường hợp oan. Nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm...
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan hữu quan như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
PV
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hoàn thiện quy định về hòa giải tranh chấp đất đai