/ Dọc đường tố tụng
/ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết lập thành phố Thủ Đức

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết lập thành phố Thủ Đức

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Với 100% số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM.

Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng việc thay đổi lại cấu trúc đơn vị hành chính phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, có điều kiện hỗ trợ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định quá trình xây dựng đề án thành lập thành phố Thủ Đức và điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã được tiến hành rất kỹ; lấy ý kiến đông đảo của nhiều nhà khoa học, lão thành cách mạng; tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và nhận được sự đồng tình của đa số người dân.

"Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân để dẫn dắt kinh tế TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau khi thành lập, với mục tiêu trở thành một thành phố sáng tạo, thành phố Thủ Đức có thể đóng góp tới 7% GDP cả nước," ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân của thành phố Thủ Đức, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết sau khi thành lập thành phố Thủ Đức, quy mô dân số và công việc sẽ khác hẳn so với trước đây. Các vụ án của cả 3 quận gộp lại đã vượt quá số lượng của một số tỉnh (trên 6.000 vụ án).

Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, căn cứ vào khối lượng công việc cho thấy, nguồn nhân lực ngành tòa án đang thiếu nghiêm trọng. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị Thường vụ Quốc xem xét, quyết định bổ sung biên chế để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM đã có chủ trương cũng như đầy đủ các cơ sở pháp lý quy định tại Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh đó, Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM vừa được Quốc hội thông qua cũng cho phép thành lập chính quyền đô thị thành phố trong thành phố; trình tự thủ tục hồ sơ được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, lấy ý kiến đông đảo cử tri trên địa bàn.

Về việc thành lập cơ quan tư pháp tại thành phố Thủ Đức, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dù sáp nhập nhưng do khối lượng công việc lớn, nhân lực lại thiếu nên đây là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp đồng ý cho cán bộ tư pháp của thành phố này có chế độ đặc thù riêng so với cấp quận, huyện nhưng phải có sự đồng bộ trong cả hệ thống chính trị của thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, để đảm bảo sự đồng bộ với các cơ quan khác cũng như chính sách chế độ tiền lương, vị trí việc làm, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vấn đề này sẽ được xem xét sau.

Với 100% số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2021. Từ thời điểm này, TP. HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 16 quận, 5 huyện, 1 thành phố); 312 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 58 xã, 249 phường, 5 thị trấn).

Mô hình chính quyền địa phương ở thành phố Thủ Đức có cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố; tuy nhiên các phường thuộc Thủ Đức sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân.

MINH HIỀN

/cum-thi-dua-linh-vuc-phap-luat-va-ton-giao-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-thi-dua-nam-2020-va-phat-dong-giao-ket-thi-dua-nam-2021.html