/ Pháp luật - Đời sống
/ UBTV Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân

UBTV Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân

19/01/2022 10:38 |

(LSVN) - Chiều 19/01/2022, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) tiếp tục Phiên họp thứ 7 để xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân; xem xét Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh Phiên họp.

Theo quy định hiện hành, trang phục của Hội thẩm nhân dân gồm trang phục xuân hè là quần âu, áo sơ mi trắng; trang phục thu đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay. Khi tham gia xét xử hoặc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, Hội thẩm nhân dân sử dụng trang phục làm việc hàng ngày. Trang phục xét xử của Thẩm phán là áo choàng.

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, quy định này tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong tổ chức phiên tòa; tạo sự phân biệt về vị trí, vai trò của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân và hạn chế sự tôn nghiêm của phiên tòa. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định về trang phục xét xử của Hội thẩm để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.

“Qua hình ảnh Hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa xét xử với trang phục áo choàng, đồng bộ với Thẩm phán, tạo sự thống nhất, trang nghiêm của phiên tòa. Từ đó tạo ra nhận thức đúng đắn của xã hội về tầm quan trọng của Hội thẩm trong việc đại diện nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án. Cũng từ đó, các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động sẽ động viên, khuyến khích, tạo điều kiện về mặt thời gian để Hội thẩm tham gia xét xử đạt hiệu quả…”, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhấn mạnh.

Về bố cục, Phó Chánh án Tòa án nhân dân nêu rõ, Dự thảo Nghị quyết có 02 điều, gồm: Điều 1 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm  nhân dân, giấy chứng minh Thẩm phán, giấy chứng minh Hội thẩm; Điều 2 Điều khoản thi hành.

Về phạm vi, sửa đổi bổ sung 04 điều của Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 gồm các điều 2, 4, 5 và 10. Dự thảo Nghị quyết, sửa đổi thay thế trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân từ bộ comple thành áo choàng đồng thời bổ sung phù hiệu Hội thẩm nhân dân.

Trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân được đề xuất.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Hồ sơ dự thảo Nghị quyết được Tòa án nhân dân Tối cao chuẩn bị công phu, nghiêm túc; tuân thủ đúng quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Về đề nghị cấp trang phục xét xử là áo choàng cho Hội thẩm nhân dân, Uỷ ban Tư pháp có hai loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến thành viên Ủy ban nhất trí với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Các ý kiến thống nhất đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho Hội thẩm nhân dân để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về trang phục trong Hội đồng xét xử; góp phần làm tăng tính tôn nghiêm của phiên tòa; tôn vinh, nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Việc sửa đổi, thay thế trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân từ bộ comple thành áo choàng không làm phát sinh thêm nguồn lực tài chính mà vẫn sử dụng nguồn kinh phí hiện nay đã được cấp.

Bên cạnh đó, một số ý kiến thành viên Uỷ ban Tư pháp không nhất trí việc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho Hội thẩm nhân dân. Bởi vì, Thẩm phán là cán bộ, công chức Tòa án, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ chính là xét xử các loại vụ án; còn Hội thẩm nhân dân được Hội đồng nhân dân bầu ra để tham gia xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật. Hội thẩm nhân dân đại diện nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án, nên trang phục của Hội thẩm nhân dân phải phù hợp và gần gũi với nhân dân, mang “tính nhân dân”.

Trang phục khác nhau của các thành viên Hội đồng xét xử cũng thể hiện rõ vị trí, vai trò của những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa. Trang phục hiện nay của Hội thẩm nhân dân cơ bản phù hợp, bảo đảm nghiêm túc, phổ thông, lịch sự; đã thực hiện ổn định nhiều năm nay, không có vướng mắc đáng kể khi thực hiện nhiệm vụ xét xử. Tham khảo kinh nghiệm một số nước, dù các nước theo mô hình tố tụng nào thì cũng chưa thấy quy định Hội thẩm nhân dân, Bồi thẩm đoàn/Hội thẩm đoàn phải mặc áo choàng khi tham gia xét xử. Do đó, loại ý kiến này đề nghị cân nhắc, giữ lại quy định về trang phục hiện hành của Hội thẩm nhân dân.

Về trang phục làm việc, Uỷ ban Tư pháp thống nhất dự thảo Nghị quyết quy định về trang phục làm việc của Hội thẩm nhân dân gồm quần âu, áo sơ mi dài tay.

Về niên hạn sử dụng trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư  pháp tán thành với đề xuất của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về niên hạn sử dụng trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân là 05 năm một bộ. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc cấp trang phục xét xử 05 năm/bộ là chưa phù hợp, bởi vì nhiều vụ án phức tạp, thời gian xét xử nhiều ngày, mà chỉ mặc 01 chiếc áo choàng xét xử sẽ gây bất tiện cho Hội thẩm nhân dân, nên đề nghị cân nhắc cấp 05 năm/2 bộ.

Về niên hạn sử dụng trang phục làm việc của Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất cấp trang phục xét xử và trang phục làm việc cho Hội thẩm nhân dân thay thế trang phục theo mùa như hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết mới chỉ sửa điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 1214, chưa sửa điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 1214 để quy định niên hạn sử dụng trang phục làm việc của Hội thẩm nhân dân. Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị sửa điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 1214, thay thế “trang phục xuân - hè” thành “trang phục làm việc” để bảo đảm thống nhất.

Về phù hiệu Hội thẩm nhân dân, Uỷ ban Tư pháp nhất trí với đề nghị của Tòa án nhân dân Tối cao về bổ sung phù hiệu cho Hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên, về kích thước và biểu tượng in trên phù hiệu Hội thẩm nhân dân, Uỷ ban Tư pháp thấy rằng biểu tượng Tòa án in trên phù hiệu của Thẩm phán. Theo dự thảo Nghị quyết thì biểu tượng Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được in trên phù hiệu của Hội thẩm nhân dân. Do đó, cần cân nhắc kỹ việc lựa chọn biểu tượng in trên phù hiệu của Hội thẩm nhân dân. Bên cạnh đó, đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao lựa chọn kích thước phù hiệu của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cho phù hợp.

Về sử dụng trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Uỷ ban thống nhất với dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân tại phiên tòa.

Thảo luận tại Phiên họp, liên quan đến đề nghị cấp trang phục xét xử là áo choàng cho Hội thẩm nhân dân, có hai luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung nêu trên của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Đồng thời, đề nghị cân nhắc sửa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 cho phù hợp; lựa chọn kích thước phù hiệu của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đảm bảo thống nhất.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, Hội thẩm nhân dân đại diện nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án, nên trang phục của Hội thẩm nhân dân phải phù hợp và gần gũi với nhân dân, mang “tính nhân dân”. Luồng ý kiến này, không đồng tình việc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho Hội thẩm nhân dân, đề nghị nghiên cứu lựa chọn trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân bảo đảm nghiêm túc, phổ thông, lịch sự, gần gũi; trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân phải khác với Thẩm phán,...

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung đúng thẩm quyền; Hồ sơ được chuẩn bị đúng trình tự, thủ tục, đầy đủ, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, qua ý kiến thẩm tra, lấy ý kiến các Ủy ban có liên quan, ý kiến thảo luận trực tiếp tại Phiên họp, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự thống nhất, đồng thuận với nội dung đề xuất. 

Ghi nhận tinh thần tích cực, trách nhiệm cao của Tòa án trong việc đổi mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa biểu quyết dự thảo Nghị quyết, giao lại cho Tòa án nhân dân Tối cao tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thêm thực tiễn,… và từ nguyện vọng của Hội thẩm nhân dân đề xuất, thiết kế trang phục phù hợp, đảm bảo tính trang nghiêm, thống nhất, chính quy, nhưng phải có sự khác biệt với trang phục áo choàng của Thẩm phán.

HỒNG HẠNH

Áp dụng ‘án treo’: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị

Lê Minh Hoàng