(LSO) - Tòa nhà chung cư nơi tôi ở chuẩn bị tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Vậy, chủ sở hữu căn hộ có được ủy quyền cho 1 chủ sở hữu khác trong tòa nhà đó tham dự hội nghị không? Có quy định về việc một người được nhận ủy quyền của bao nhiêu người không? Giấy ủy quyền với nội dung tham dự hội nghị nhà chung cư, phát biểu và bỏ phiếu bầu Ban quản trị tòa nhà có phải chứng thực tại phường hoặc công chứng không? Bạn đọc L. A. hỏi.
Thứ nhất, căn cứ Điều 13 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 06//2019/TT-BXD) thì pháp luật chỉ yêu cầu người tham dự hội nghị nhà chung cư lần đầu là đại diện chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư mà không bắt buộc phải là chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư.
Pháp luật hiện hành không có quy định nào hạn chế về chủ thể được phép nhận ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư lần đầu. Do đó, chủ sở hữu nhà chung cư có thể ủy quyền cho một chủ sở hữu khác trong tòa nhà tham dự hội nghị này.
Thứ hai, hiện pháp luật cũng không có quy định hạn chế số lượng ủy quyền một chủ thể được phép nhận, trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định. Trong trường hợp ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư lần đầu thì pháp luật không có quy định hạn chế nên một chủ thể có thể nhận ủy quyền của nhiều chủ sở hữu căn hộ.
Thứ ba, về chứng thực hoặc công chứng hợp đồng ủy quyền, theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền là không bắt buộc. Tuy nhiên, trên thực tế để hạn chế tranh chấp và bảo đảm tính xác thực và hợp pháp của hợp đồng ủy quyền, bạn nên tiến hành công chứng hoặc chứng thực chữ kỹ trong hợp đồng ủy quyền.
Vì theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014 thì “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.” và theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì “Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản".
Căn cứ theo các quy định này có thể thấy, khi bạn thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền sẽ giúp chủ thể tổ chức hội nghị nhà chung cư xác định chính xác và rõ ràng tư cách của người được ủy quyền mà không cần xác minh lại, đồng thời giúp người được ủy quyền thuận lợi thực hiện nội dung được ủy quyền trên thực tế.
Luật sư NGUYỄN THANH HÀ
Chủ tịch Công ty Luật SB LAW