/ Hoạt động Luật sư
/ Vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc bảo vệ quyền hành nghề của Luật sư

Vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc bảo vệ quyền hành nghề của Luật sư

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư. Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946, 1959, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, 1992 đều khẳng định  vai trò, vị trí của Luật sư và tổ chức Luật sư trong việc giúp đỡ về mặt pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đồng thời góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với những thắng lợi vẻ vang của cách mạng, của dân tộc và những bước phát triển của đất nước, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã vượt qua khó khăn thử thách để ngày càng tự khẳng định vai trò, vị trí của nghề Luật sư trong xã hội.

Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có chức năng đại diện, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư. Đây không chỉ là tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ được thể hiện trong các văn bản pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam mà đây chính là sự khát khao, mong đợi và một trong các lí do để ra đời và tồn tại của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Kết quả trong công tác bảo vệ quyền hành nghề của Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong 11 năm hình thành và phát triển được thể hiện các mặt chủ yếu sau: 

Thứ nhất, chính sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã là sự kiện quan trọng và có tính chất quyết định nhất trong công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư Việt Nam. Các cụ ta có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Sau nhiều chục năm chờ đợi, Luật sư Việt Nam đã có tổ chức đại diện ở cấp cao nhất của mình được thành lập theo quy định của pháp luật, giới Luật sư Việt Nam có tổ chức của mình có đủ thẩm quyền để từ đó “bằng anh, bằng em”, có địa vị pháp lý, bình đẳng và tự chủ trong mối quan hệ với các cơ quan tổ chức khác, đặc biệt là với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Thứ hai, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh/thành phố bảo vệ quyền hành nghề của Luật sư thông qua công tác xây dựng pháp pháp luật. Liên đoàn đã có đóng góp quan trọng thông qua các hoạt động của mình, thông qua các văn bản góp ý hoặc trực tiếp cử thành viên tham gia soạn thảo, thẩm định các văn bản pháp luật trong đó có những văn bản trực tiếp tác động đến quyền hành nghề của Luật sư như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, các văn bản pháp luật về Luật sư,…

Việc bỏ Giấy chứng nhận đăng ký bào chữa, quyền thăm gặp, tiếp xúc với bị can, bị cáo đang bị giam giữ, quyền điều tra, thu thập chứng cứ của Luật sư, nguyên tắc tranh tụng trước tòa,… được ghi nhận và thực thi không thể không nhắc đến vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Thứ ba, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh/thành phố đã giới thiệu hoặc cử đại diện để bầu hoặc tham gia Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, tham gia các tổ chức, đoàn thể, hợp tác quốc tế,… thông qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư.

Thứ tư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh/thành phố đã trực tiếp thực hiện hoạt động bảo vệ Luật sư, quyền hành nghề Luật sư trong các vụ việc cụ thể. Liên đoàn đã trực tiếp kiến nghị, trực tiếp cử đoàn công tác để giải quyết rất nhiều vụ việc cụ thể theo đề nghị của Luật sư, nhiều vụ việc, kiến nghị, yêu cầu của luật sư được giải quyết.

Sơ kết 04 năm kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh kết quả đã đạt được của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Luật sư mong muốn nhiều hơn nữa trong công tác bảo vệ quyền hành nghề Luật sư. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, thiết nghĩ không chỉ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, không chỉ Bộ Tư pháp mà ở cấp Nhà nước cần có một Đề án hoặc một chiến lược đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư. Trong đó, cần quy định cụ thể các chế tài, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cán bộ có hành vi cản trở, không đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư.

Trong khi chờ đợi cơ chế phối hợp giữa Liên đoàn và các cơ quan Tư pháp trung ương, cơ quan hữu quan thì Liên đoàn cần kiên trì, kiên quyết, chọn một số vụ việc cụ thể và làm rõ đến cùng trong công tác bảo vệ Luật sư. Nhân rộng kết quả và huy động sức mạnh tập thể của giới luật sư trong công tác bảo vệ và tự bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư.

Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
/nhung-viec-luat-su-khong-duoc-lam-trong-quan-he-voi-dong-nghiep.html